Home » Tin Tức » Cộng Đồng Đức » Văn thư chúc mừng ngày Đại Hội Công Giáo Việt Nam lần thứ 37 tại Aschaffenburg – Đức (18.-20.5.2013) của Prof. Dr. Maria Böhmer và Dr. Philipp Rösler

Văn thư chúc mừng ngày Đại Hội Công Giáo Việt Nam lần thứ 37 tại Aschaffenburg – Đức (18.-20.5.2013) của Prof. Dr. Maria Böhmer và Dr. Philipp Rösler

Prof. Dr. Maria Böhmer, Bộ Trưởng thuộc Phủ thủ tướng liên bang đặc trách về tị nạn, di dân và hội nhập

Kính thưa tham dự viên Đại Hội Công Giáo lần thứ 37,
Kính thưa quí vị,
Kính thưa anh chị em trong Chúa Kitô,

cuối tuần này là Đại Hội Công Giáo Việt Nam lần thứ 37. Đại Lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống là dịp rất tốt để tổ chức Đại Hội. Vào ngày lễ này Chúa đã gửi Đức Chúa Thánh Thần đến các Tông đồ và cho các vị này nói được các thứ tiếng khác nhau. Lễ Hiện Xuống vì thế được coi là ngày sinh nhật của Giáo Hội. Song song Đại lễ này là dấu chỉ cho ta thấy Đức Tin vượt qua mọi ranh giới: Ranh giới về ngôn ngữ, quốc gia và văn hóa.
Lễ Hiện Xuống là biểu tượng của Giáo hội hoàn vũ. Qua Đại Hội Công Giáo Việt Nam quí vị cho Giáo Hội Đức nhận ra rằng, niềm tin của chúng ta không bị giới hạn bởi quốc gia và ngôn ngữ.

Khi tôi qua Roma trước lễ Phục Sinh, nhân dịp ngày nhậm chức của Đức Giáo Hoàng Franziskus,tôi cảm nhận được mạnh mẽ thế nào là Giáo Hội Toàn Cầu. Tín hữu trên toàn thế giới đã tề tựu về đây. Nhiều mầu cờ khác nhau bay phất phới. Nhiều người nói những thứ tiếng khác nhau. Lúc đó tôi nhớ tới câu: Khi chúng ta tụ tập vì danh Chúa thì chúng ta sẽ hiệp nhất với tất cả các anh chị em khác trên toàn thế giới. Sự hợp nhất trong đức tin và sự đa dạng trong ngôn ngữ và văn hóa là một tặng phẩm tuyệt vời cho Giáo Hội.

Sự thành lập cộng đoàn công giáo Việt Nam tại Đức đi sát với những kinh nghiệm đau khổ.

Là Bộ Trưởng thuộc phủ thủ tướng liên bang đặc trách về tị nạn, di dân và hội nhập tôi có bổn phận lo cho những người tị nạn ở Đức Quốc. Vì thế, đối với tôi quan trọng và cần được nhắc lại là nhiều người trong quí vị xuất thân từ những gia đình, được gọi là thuyền nhân, tìm thấy ở Đức nơi ẩn náu và một quê hương mới. Kinh nghiệm tị nạn này nhắc nhở chúng ta luôn sẵn sàng với những người tị nạn cần đến sự giúp đỡ và bảo vệ.

Chúng tôi cũng biết rõ hoàn cảnh của anh chị em chúng tôi trong đức tin ở Việt Nam vẫn gặp khó khăn. Đập phá nhà thờ, bắt giam và hành hung vô cớ xảy ra hằng ngày cho nhiều người Thiên Chúa giáo tại Việt Nam. Vì thế, đấu tranh để có được tự do tôn giáo trên toàn thế giới là một mục tiêu quan trọng của những chính trị gia như chúng tôi. Vì thế, tôi hết mình tranh đấu để chúng ta sẵn sàng giúp đỡ những người vì lý do tôn giáo bị bắt bớ và truy nã. Trong tinh thần này tôi cảm thấy hoàn toàn liên đới với vị Giáo Hoàng Benedikt thứ 16 đã về hưu, người luôn đặt quyền tự do tôn giáo làm trung tâm điểm của công việc truyền giáo của Ngài.

Tôi xin kính chúc quí vị những ngày Đại Hội đầy hứng khởi và phấn khởi. Tôi rất muốn được trực tiếp gặp gỡ quí vị. Rất tiếc tôi bị trở ngại, song tôi sẽ hiệp thông với quí vị trong lời cầu nguyện.

Kính chào thân ái

Prof. Dr. Maria Böhmer

Dr. Philipp Rösler,

Chủ tịch liên bang đảng Tự

Do Dân Chủ (FDP) và

Thành viên Ủy Ban

Trung Ương người Công

Giáo Đức Quốc

Kính thưa quý vị đại diện Liên Đoàn Công Giáo tại Cộng Hòa Liên Bang Đức,
Kính thưa quý tín hữu,

Tôi rất lấy làm vinh dự và xin chân thành cảm ơn được gửi đến quí vị lời chào mừng nhân dịp Đại Hội Công Giáo Việt Nam lần thứ 37 tại Aschaffenburg. Chủ đề của Đại Hội Công Giáo lần này là: “Năm Đức Tin – Truyền đạt đức tin cho con cháu”.

Tôi xin kể cho quí vị nghe “con đường đức tin” của tôi. Lúc còn là một bác sĩ trẻ tôi làm việc trong một bệnh viện Tin Lành. Hằng ngày tôi phải chứng kiến bao nhiêu là đau khổ và chết chóc.Tôi hỏi các soeur làm việc ở đó: ” Làm như thế nào để vẫn bình thản khi đối diện với những vấn đề trầm trọng như vậy“. Các soeur trả lời rằng :”Philipp. Đây là nhà thương của người Thiên Chúa Giáo mà”. Qua niềm tin đó họ đã có thêm sức để chịu đựng. Từ lúc đó ý định trở thành người Kitô giáo đã nẩy mầm trong tôi. Và vì khi còn bé tôi được cưu mang trong viện mồ côi công giáo ở Việt Nam, cho nên tôi chỉ muốn trở thành người Công giáo. Bạn gái của tôi, tức vợ tôi bây giờ, lúc đó giúp lễ trong nhà thờ, đã khuyến khích và giúp đỡ tôi trên bước đường này. Cô ta là người đỡ đầu tôi trong ngày lễ rửa tội. Nhà thờ mà tôi nhận bí tích rửa tội cũng là nhà thờ chúng tôi làm lễ cưới.
Niềm tin vào Đấng tối cao sẽ bảo vệ và giúp chúng ta không bay bổng. Do đó, đối với tôi sự kiện nêu tên Thiên Chúa trong tiền đề của hiến pháp cũng quan trọng. Hiến pháp bảo vệ những thành phần thiểu số trước những thành phần đa số. Niềm tin vào Chúa bảo vệ chúng ta trước sự dữ trong chính chúng ta. Đức tin thuộc về nền tảng giá trị căn bản của tôi. Tôi chia xẻ đức tin và giá trị sống này với gia đình tôi, và truyền đạt nó – cũng qua sự tham gia thánh lễ ngày Chúa Nhật – đến hai người con gái của tôi.

Cuối tuần này chúng ta mừng Đại Lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Đại Lễ này đánh dấu sự bắt nguồn tâm linh của người Thiên Chúa Giáo. Chương 2 sách Tông Đồ Công Vụ tường thuật lại kinh nghiệm của các Tông Đồ Chúa Giêsu nhân dịp lễ Hiện Xuống ở Jerusalem như sau:
“Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần. Họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho”.

Trong niềm vui hân hoan của ngày Lễ Hiện Xuống tôi xin kính chúc quí vị, gia đình và thân quyến những buổi hội thảo đầy ý nghĩa, những cuộc gặp gỡ đầy chân tình và những ngày lễ thánh thiện.

Xin kính chào và xin chân thành cảm ơn

Dr. Philipp Rösler

(Ngọc Hòa chuyển ngữ)