BS Hoàng Thị Mỹ Lâm
Theo đúng lịch hẹn chúng tôi đến Moritzburg ngày 09.12.2016 để gặp giới chức có thẩm quyền quyết định về hiện trạng dự án tái tạo khu tưởng niệm ông Hồ. Đoàn chúng tôi 8 người chính gồm 3 người trong Ban Chấp Hành Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức và 5 người thân hữu đã cùng chung vai sát cánh từ gần 7 tháng qua để chống lại dự án mang tính cách tuyên truyền đánh bóng cá nhân lỗi thời của Đảng Cộng Sản Việt Nam tại hải ngoại.
Nhắc lại ngắn gọn về câu chuyện Moritzburg là nguyên thủy trong những năm 1955-1957 có một số học sinh tiên tiến được nhà cầm quyền CS Bắc Việt tuyển lựa gửi sang học nghề tại Dresden và được phân phối đến trú học tại Moritzburg . Năm 1957 Hồ Chí Minh trong chuyến sang thăm hữu nghị nhà cầm quyền CS Đông Đức có ghé thăm Moritzburg . Trên tinh thần sùng bái cá nhân trong thế giới Cộng Sản một tấm bảng đồng hữu nghị được khắc tên Hồ Chí Minh và treo lên một cột trụ chỗ công viên tại đó . Sau khi nước Đức thống nhất khu đất hoang tàn và toàn bộ bất động sản đựơc trả lại cho Hội Thánh Moritzburg. Năm 2015 Sứ Quán Cộng Sản Việt Nam tại Đức ngắm nghé khu đất hoang này với tấm bảng đồng khắc tên Hồ Chí Minh và xin sang nhượng với Hội Thánh Moritzburg với mục đích trùng tu và làm địa điểm tôn sùng Hồ Chí Minh tại đây . Tin này được loan ra vào ngày 18.5.2016 trên tờ báo địa phương của Sachsen và tờ báo tiếng Việt của Sứ Quán Cộng Sản trong dịp Đại Sứ Việt Cộng đến thăm miếng đất này. Từ đó người Việt tỵ nạn Cộng Sản tại nước Đức cùng với thân hữu Đức và bạn bè quốc tế xa gần đã lên tiếng liên tục với chính quyền sở tại để cực lực phản đối dự án này. Đáng kể là ngoài sự can thiệp tích cực của các thành viên Ban Chấp Hành Liên Hội còn có lời kêu gọi phản đối của bà Ute Junker với trên 1.800 chữ ký của các bạn Đức Việt đồng lòng chống lại dự án và hàng trăm bức thư của người Việt tại Đức hưởng ứng lời kêu gọi của bà Jana Kellersmann gửi qua bưu điện phản đối tới tấp đến văn phòng Hội Thánh Moritzburg làm nghẹt cả thùng thư trong thời gian này.
Hai nhân vật tiếp đón phái đoàn chúng tôi là ông Giáo Sư Tiến Sĩ Thomas Knittel , Chủ Tịch Ban Chấp Hành Hội Thánh Moritzburg , và ông Jens Knechtel ,thành viên Ban Chấp Hành và đồng thời cũng là Giám Đốc Hành Chánh của Hội Thánh. Cả hai nhân vật này là đại diện chủ đất và là đối tác ký tên vào hợp đồng sang nhượng miếng đất với Sứ Quán Việt Cộng mà đại diện của họ là một doanh nhân từ Berlin trực thuộc Sứ Quán .
Sự tiếp đón của chủ nhà rất nồng hậu và chu đáo , có trà cà phê bánh ngọt . Ngay cả các anh chị em đi theo ủng hộ ngồi chờ ngoài sảnh cũng được săn sóc trà nước. Riêng chúng tôi cũng chuẩn bị máy thâu âm và thâu hình buổi nói chuyện với sự đồng ý của chủ nhà.
Sau phần giới thiệu hai bên khách và chủ , ông Knittel vào ngay vấn đề bằng phần giới thiệu về lịch sử , tổ chức và nhân sự trong Hội Thánh Moritzburg. Ông ta nhấn mạnh rằng chuyện học sinh Việt Nam đến trọ học tại Moritzburg đã xảy ra dưới thời Đông Đức nằm ngoài khả năng xét đoán của Hội Thánh và chỉ đến năm 1991-1992 toàn bộ khu bất động sản mới được trả lại cho Hội Thánh trong đó có cả miếng đất hoang tàn xơ xác này . Khi Sứ Quán Việt Cộng đến xin sang nhượng khoảnh đất , thì Chủ Tịch Đoàn Hội Thánh chỉ nghĩ đơn giản là vì có một số người Việt đã từng trải qua một thời thơ ấu 3-4 năm tại Moritzburg và còn giữ một cảm tình đối với địa phương này thì đó là một việc vô hại . Vì thế họ đã chấp nhận cho sang nhượng 10 năm nhưng với điều kiện là chỉ được trùng tu khu di tích mà thôi , bất cứ một sự xây cất trên khoảnh đất đều phải xin phép và có sự chấp thuận của chủ đất . Khi đặt bút ký vào hợp đồng họ không hề nghĩ đến việc sùng bái cá nhân Hồ Chí Minh như các tin tức được loan đi trên báo Đức và Việt . Tiếng Việt thì họ không đọc được , nhưng họ than phiền tờ báo Đức địa phương đã đưa tin không trung thực. Chẳng hạn như hôm 18.5.2016 Đại Sứ Việt Cộng trên đường từ Dresden về rồi ghé qua Moritzburg , chứ không phải họ đến thẳng Moritzburg như trong báo tường thuật .Họ cũng không ngờ là tin tức đó được chuyển về Việt Nam dưới dạng „ khu tưởng niệm bác hồ“ . Ngay cả cái tựa đề „ auf der Spur von onkel hồ „ đăng trên tờ Sächsische Zeitung cũng do nhà báo nghĩ ra chứ trong Hội Thánh không ai bảo thế. Bây giờ cả hai ông đều tự trách mình không lên tiếng ngay lúc đó để cải chánh lập tức việc bị gán cho là hỗ trợ sùng bái cá nhân ông Hồ. Cho đến khi thư phản đối gửi về chồng chất thì họ bị hoang mang và cảm thấy bị oan ức trước những lời kết tội của cộng đồng người Việt và trước dư luận người Đức chống Cộng . Ông Knittel cho biết là người tiền nhiệm của ông là Mục Sư Drechsler kể lại rằng thỉnh thoảng có người Việt Nam đến thăm khu đất này tỏ lòng quyến luyến với Moritzburg cho nên họ cảm thấy khi Đại Sứ Việt Nam xin đảm trách việc trùng tu miếng đất hoang là điều hợp tình. Họ vẫn nghĩ Đại Sứ Quán Việt Nam tại Đức là một cơ quan không những đại diện cho nước Việt Nam mà còn đại diện cho toàn người Việt Nam tại Đức . Trong các thư phản đối gửi đến, ông Knechtel tiết lộ là có cả một lá thư cảnh cáo của một Luật Sư và ông trách móc là tại sao có nhiều ý kiến tương phản trong cộng đồng người Việt mà tại sao tòa Sứ Quán Việt Nam không giải quyết được khiến cho người Việt phải đưa qua Luật Sư giải quyết.
Qua những lời trình bày của chủ nhà thì chúng tôi mới nhận ra sự hiểu biết rất mù mờ của họ về tập thể người Việt tại Đức và về lịch sử chiến tranh Việt Nam cùng hậu quả của nó. Chúng tôi giải thích cho họ hiểu tòa Sứ Quán Việt Nam tại Đức chỉ là cơ quan đại diện cho nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam và không hề đại diện cho ý dân lòng người Việt Nam . Chúng tôi nêu rõ là trong vấn đề Moritzburg tựu trung chỉ có hai khối ý kiến : một khối chủ trương tái tạo khu đất là của các đảng viên Cộng sản đã từng trú ngụ thời gian ngắn tại Moritzburg từ 60 năm trước mà đại diện của họ là Sứ Quán Việt Cộng ; khối thứ hai là toàn thể người Việt chống Cộng phản đối dự án trá hình nhằm mục đích chính là tôn vinh đánh bóng Hồ Chí Minh tại hải ngoại. Đại diện cho khối thứ hai này là nhiều tập thể người Việt hải ngoại và thân hữu Đức. Liên Hội đại diện tiếng nói của người Việt tỵ nạn Cộng sản trên nước Đức là những nạn nhân trực tiếp của chế độ Cộng Sản. Chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng mục đích chống đối không phải chỉ nhắm vào việc trùng tu miếng đất, mà căn bản là chống lại sự việc tái dựng tấm bảng đồng có ghi tên Hồ Chí Minh dự định treo lại trên miếng đất đó.
Khi được hỏi về dấu tích của tấm bảng đồng này thì cả hai ông chủ nhà cho biết tấm bảng đồng đã được treo tại chỗ hoang phế này cho tới năm 2015 . Cho tới thời điểm đó không ai lưu tâm đến nó ; nhưng vì sợ những kẻ trộm kim loại đi bán cho đồng nát ve chai nên có người đã gỡ tấm bảng đồng xuống và đem gửi vào Hội Thánh. Bây giờ tấm bảng đồng đang nằm trong căn hầm dưới nhà Hội Thánh và Ban Chấp Hành Hội Thánh đang xét lại là có nên treo lại tấm bảng đồng này vào chỗ cũ hay đưa nó vào Viện Bảo Tàng Lịch Sử Đức Quốc hay Viện Bảo Tàng Đông Đức . Sự xét lại này dựa trên những yếu tố xem có dấu hiệu mục đích tôn thờ cá nhân của phe đối tác ký hợp đồng hay không. Ngoài ra họ cũng biểu lộ ý nghĩ muốn hủy hợp đồng vì nhiều lý do , mà một trong những lý do đó là vì có những điều kiện trong hợp đồng cho đến bây giờ cũng chưa được đối tác thực thi đúng cách như không chăm sóc , để rác rưới bừa bãi . Ông Knechtel cho biết thêm rằng nếu thực sự Hội Thánh có ý nghĩ tôn vinh Hồ Chí Minh thì họ sẽ không tạo dựng tại một địa điểm tầm thường ( unspektakulär ) như thế. Ông Knittel còn bồi thêm rằng nếu ngày đó tấm bảng đồng bị mất cắp thì ngày nay chúng ta không ai bị rắc rối trong vụ này.
Để trả lời câu hỏi về dự án xây dựng nhà sàn trên khoảnh đất ông Knechtel khẳng định ông ta không nhận trực tiếp được đơn xin xây dựng của đối tác. Họ chỉ biết là Hội Đồng Thành Phố Moritzburg có nhận được sự ngỏ ý muốn xây dựng của doanh nhân Việt và họ đã từ chối dự án này rồi , Bộ Xây Dựng Thành Phố cũng đã không đồng ý cho phép xây cất trên miếng đất .Ông Knittel xác định một lần nữa là trong hợp đồng sang nhượng có ghi rõ là chỉ trùng tu chứ không được xây dựng thêm.
Về những người liên can đến khu trùng tu Moritzburg ông Knittel cho biết rằng ông không thể phê phán về những hoạt động và mục tiêu của ông dân biểu Andreas Lämmel , nhưng riêng về ông Tỉnh Trưởng Jörg Hänisch thì ông Knittel có thể từ sự liên hệ mật thiết với Hội Thánh của ông Hänisch mà xác định tầm nhìn của ông Hänisch cũng đúng y như quan điểm của Hội Thánh. Ông Knittel cũng cho biết là vì ông Hänisch hôm nay có việc quan trọng trong gia đình ( mẹ ông Hänisch có sinh nhật đúng 80 tuổi ) nên sự vắng mật của ông Hänisch là bất khả kháng chứ không phải là ông Hänisch không muốn đến .
Cuối cùng ông Knittel đã cám ơn phái đoàn đã giải thích rõ tình trạng đất nước và con người Việt Nam :“ Vietnam ist nicht gleich Vietnam“ . Ông kêu gọi sự thông cảm về sự thiếu thông tin trung thực từ nhiều phía tạo ra hiểu lầm trước sự việc thuần túy vị nhân bản và hoàn toàn không mang mục đích sùng bái cá nhân hoặc chính trị của Hội Thánh . Ông cũng hiểu ra Hồ Chí Minh là kẻ đã gây ra những hoàn cảnh thương tâm và cùng quẫn cho nhiều người . Ông không muốn làm tổn thương chúng ta thêm dưới hình thức tôn sùng cá nhân này . Ông tiếc là trong thời gian qua Hội Thánh đã không nhận biết rõ vấn đề , nhờ sự trao đổi ý kiến qua lại trực tiếp như hôm nay mà ông hiểu thêm ra được nhiều điều . Ông xác định là sẽ tìm được quyết định đúng đắn trong niềm tin vào ơn trên . Trước khi chia tay ông nhấn mạnh lời cuối rằng : chúng tôi không xem thường những mong muốn của quý vị và chúng tôi sẽ không chấp nhận sự việc tái dựng khu tưởng niệm Hồ Chí Minh.
Cảm tưởng và nhận định về buổi đối thoại:
Chúng tôi cảm nhận được thiện ý của ông Giáo Sư Tiến Sĩ Thomas Knittel là muốn tạo thông cảm và cố gắng hòa giải những lấn cấn trong vấn đề theo chiều hướng chúng ta yêu cầu . Riêng ông Jens Knechtel thì vẫn còn hậm hực vì đã bị tấn công quá mạnh một cách oan ức. Ông Knechtel vẫn bám chặt tư tưởng vào việc bảo vệ trẻ em dù trong bất cứ hoàn cảnh nào và nhưng ông ta cũng phủ nhận hoàn toàn sự việc sùng bái cá nhân. Chúng tôi cũng nêu rõ là chúng tôi không chống lại việc bảo tồn khu di tích công viên đó . Sự chống đối của chúng tôi chỉ nhắm vào tấm bảng đồng ghi tên Hồ Chí Minh trên đấy . Sự tái dựng bảng đồng trên khu di tích sẽ tạo thêm chứng cớ cho nhà cầm quyền và Sứ Quán Cộng Sản Việt Nam tuyên truyền đánh bóng thêm cho chế độ độc tài đảng trị của họ. Sự đưa cái bảng đồng vào viện bào tàng Đức là cách hay nhất để cho mọi người , trong nước hay ngoài nước Việt Nam nhất là giới trẻ , hiểu là mọi việc đã thuộc về quá khứ. Nước Cộng Hòa Liên Bang Đức ngày nay không còn là nước Cộng Hòa Dân chủ Đông Đức cũ nữa . Lịch sử đã sang trang . Giá trị bây giờ không phải là cháu ngoan bác hồ , tuổi đảng , hồng hơn chuyên .. mà là những giá trị con người đích thực : nhân bản, nhân cách , dân tộc và tự do dân chủ nhân quyền .
Chúng tôi hy vọng là những lời hứa hẹn của ông Knittel sẽ được thực hiện và cũng không nghĩ rằng một vị Chủ Tịch Hội Thánh lại có thể dối lòng mình mà nói ra những điều không thực trước máy ghi âm và máy thu hình .
Tuy nhiên mọi diễn tiến sẽ được chúng tôi tiếp tục theo dõi để tránh những tình huống bất ngờ. Trước Giáng Sinh , Liên Hội chúng tôi cũng đã gửi thư cám ơn sự tiếp đón nồng hậu và sự trao đổi tư tưởng thoải mái của Hội Thánh Moritzburg đối với phái đoàn người Việt .
BS Hoàng Thị Mỹ Lâm
một ngày cuối năm, 30.12.2016