Home » Tin Tức » Cộng Đồng Đức » Tưởng niệm 60 năm ngày người dân Đông Đức nổi dậy chống lại chế độ cộng sản (17.6.1953 – 17.6.2013) Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn được mời tham gia buổi thuyết trình và gặp gỡ nhân chứng Rainer Eppelmann

Tưởng niệm 60 năm ngày người dân Đông Đức nổi dậy chống lại chế độ cộng sản (17.6.1953 – 17.6.2013) Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn được mời tham gia buổi thuyết trình và gặp gỡ nhân chứng Rainer Eppelmann

Nhân dịp tưởng niệm 60 năm ngày người dân Đông Đức nổi dậy chống lại chế độ độc tài cộng sản ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh thay mặt BCH Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn (LHNVTN) đáp ứng lời mời của Konrad-Adenauer-Stiftung Mainz tham gia buổi thuyết trình và gặp gỡ ông Rainer Eppelmann ngày 18.6.2013 tại Ludwigshafen am Rhein, cựu bộ trưởng giảm trang và quốc phòng, đương kim chủ tịch viện liên bang nghiên cứu làm sáng tỏ lịch sử và những hậu quả của chế độ cộng sản độc tài Đông Đức SED (Sozialistische Einheitspartei Deutschlands), Bundesstiftung zur Aufarbeitung der SED-Diktatur (www.stiftung-aufarbeitung.de).

 

Trong phần khai mạc ông Prof. Dr. Joachim Alexander, đại diện Konrad-Adenauer-Stiftung Mainz giới thiệu ông Rainer Eppelmann là nhân chứng cuộc nổi dậy của người dân Đông Đức vào ngày 17.6.1953 cũng như là một trong những nhân vật quan trọng thuộc nhóm người đưa đến „Cách mạng ôn hòa“ năm 1989. Vì là tín đồ Thiên-Chúa-Giáo nên ông R. Eppelmann đã không được theo học tú tài. Ông phải học nghề thợ hồ để sinh sống. Khi chống lại lịnh quân dịch ông bị chế độ bắt giam 8 tháng. Mãi tới năm 1969 ông mới được đi học ngành thần học. Sau đó làm mục sư Tin-Lành.

 

Trong phần thuyết trình ông cựu bộ trưởng Rainer Eppelmann đưa ra một số câu hỏi và dữ kiện đánh động lương tâm người nghe: „Từ sau đệ nhị thế chiến quý vị sống trong một thể chế dân chủ suốt mấy thập niên, quý vị thấy như thế nào? Có nhàm chán không? Quý vị có biết 20% học sinh trường trung học hiện nay không biết đến những tay trùm cộng sản như Erich Honecker? Họ không biết đến người nhạc sĩ kiêm ca sĩ chống chế độ cộng sản Đông Đức và đã bị trục xuất qua Tây Đức là ông Wolf Biermann. Chúng ta đã làm gì và đã không làm gì trong 25 năm qua để hướng dẫn thế hệ trẻ? Chúng ta đã thất bại ở chỗ nào? Câu hỏi quan trọng nhất của 100 năm qua đối với người Đức chúng ta là: Sống trong một thể chế độc tài hay là không?

 

Hai mươi triệu người dân Đông Đức đã phải sống trong vùng bị chiếm đóng bởi Liên Bang Sô-Viết (SBZ: sowjetisch besetzte Zone). Tới năm 1953 đã có hơn một triệu người dân Đông Đức chạy trốn qua Tây Đức.  Tới năm 1961 thêm hai triệu người nữa, có nghĩa là mỗi tháng có khoảng 10.000 tới 15.000 người tìm cách vượt biên qua Tây Đức. Họ đều bị kết án là những kẻ bất trung.

 

Sống dưới chế độ độc tài Cộng Sản Đông Đức người dân đã trở thành những „người nói thì thầm“ (Flüsterer). Họ phải đắn đo rất kỹ trước khi nói điều gì với ai. Họ không nói điều họ suy nghĩ và ước mơ. Họ chỉ nói những gì kẻ khác muốn nghe. „Sự kiện này đã lấy đi nhân phẩm và lòng tự tin của chúng tôi!“ Hơn thế nữa chế độ Cộng Sản Đông Đức đã hạ nhục cả một khối dân tộc qua sự kiện điển hình sau đây: Ba phụ nữ làm việc trong một hợp tác xã thực phẩm. Vì túng thiếu họ đã lấy một hộp thịt xúc-xích và một thỏi Schokolade. Họ đã bị chế độ rầm rộ mang ra trước tòa án nhân dân và đã bị kết án 6 năm tù vì „tội ăn cắp tài sản của nhân dân“ trong khi tầng lớp lãnh đạo đảng cộng sản áp dụng chính sách mị dân và bần cùng hóa để vơ vét của cải của người dân và hưởng thụ riêng…

 

Trong phần thảo luận dưới sự điều hợp của Prof. Dr. Joachim Alexander ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh đã đặt môt số câu hỏi với diễn giả Rainer Eppelmann và đã nhận được những chia xẻ chân tình trước tình trạng đàn áp gia tăng của chế độ Cộng Sản Việt Nam, đặc biệt đối với những ai  dùng phương tiện thông tin để lên tiếng phê bình những tệ trạng bất công, bóc lột và tham nhũng trong xã hội. Ông Rainer Eppelmann cho biết ông đã đến thăm Việt Nam và ông rất đồng tình với những nỗ lực của người dân trong và ngoài nước chống lại những bất công trong xã hội gây ra bởi tầng lớp lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông nhắc nhở mọi người nhớ lại những hình ảnh của mùa Thu 1989 khi hàng triệu người tại Đông Đức xuống đường và hô to: „Wir sind das Volk!“ và hàng trăm ngàn người từ Đông và Tây vui mừng gặp gỡ, ôm nhau đã tạo nên cuộc „Cách mạng ôn hòa“ („friedliche Revolution“). Sau cùng ông Rainer Eppelmann cầu chúc dân tộc Việt Nam sẽ mau thành công bằng câu: „Die Freiheit muss erkämpft werden!“: „Phải tranh đấu dành tự do!“