Home » Tin Tức » Cộng Đồng Đức » Thư ngỏ nhân ngày tưởng niệm 40 năm quân đội Cộng Sản chiếm đóng miền Nam Việt Nam

Thư ngỏ nhân ngày tưởng niệm 40 năm quân đội Cộng Sản chiếm đóng miền Nam Việt Nam

Dr. Ursula von der Leyen

Bộ Trưởng Quốc Phòng

Thế kỷ 20 là thế kỷ của chiến tranh và đàn áp chính trị, thế kỷ của chạy loạn và xua đuổi. Sau Đệ Nhị Thế Chiến Âu Châu đã thành công trong việc giữ hòa bình tại đây, mặc dù bị đe dọa bởi chiến tranh lạnh, song những nơi khác trên thế giới vẫn còn xảy ra nhiều xung đột bằng vũ khí với biết bao nạn nhân và những tàn phá. Cho dù tiếng súng đã im nhưng những cảnh khốn cùng vẫn chưa chấm dứt.

Do đó nên từ giữa thập niên 1970 người Âu Châu phải học thêm một từ mới: Boatpeople. Người ta hiểu rất nhanh cái gì nằm sau danh từ này: một tấn bi kịch không thể tưởng tượng được; hàng trăm ngàn người từ Việt Nam, Campuchia đã chạy trốn sự bắt bớ, sự theo dõi và kỳ thị có hệ thống ở Đông Nam Á. Vì thiếu những phương thức chạy trốn khác nên đa số vượt biên bằng đường biển. Trên những chiếc ghe, con thuyền đủ loại lớn nhỏ nhiều gia đình đã chọn con đường nguy hiểm này để đi tìm tự do. Tình trạng thật là bi đát. Cả chục ngàn người chết. Còn những người vào được đất liền hoặc được cứu vớt thì thường đứng trước một con số không vì nhiều nước láng giềng không thể hoặc không muốn nhận người tỵ nạn.

Cha tôi, Ernst Albrecht, trong thòi gian này là Thủ Tướng tiểu bang Niedersachen. Ông đã rất xúc động khi nhìn thấy những hình ảnh của những chiếc ghe vượt biên. Đối với cha tôi đó là một bổn phận nhân đạo và là trách nhiệm của một người Kitô hữu khi ông đứng ra giúp đỡ những người này để mang lại cho họ một quê hương mới.

Ngày 03.12.1978 chiếc máy bay đầu tiên với những người đàn ông, đàn bà, con nít đưọc cứu đã hạ cánh ở phi trường Hannover-Langenhagen. Đó là những người tỵ nạn đợt đầu tiên và sau đó tỗng cộng gần 40.000 người đã được mang vào nước Đức.

Những câu nói của cha tôi trong ngày 03.12.1978 để chào mừng những người tỵ nạn đầu tiên này thật là cảm động. Cho tới giờ những câu này vẫn còn giá trị, khi mà đề tài „chạy loạn và xua đuổi“ là đề tài chính trong tin tức hằng ngày. Cha tôi đã nói:

„Chúng tôi biết và cảm nhận được những nỗi đau và những khó nhọc họ đã phải trải qua. Bây giờ họ đã đến được một đất nước mà họ không còn bị đàn áp nữa. Họ có thể sống tự do trong một nước không có chiến tranh. Chúng ta biết ơn vì chúng ta được sống trong hòa bình. Họ đã đến được một nước mà trong đó không ai phải sợ thiếu thốn; thiếu thốn về mặt vật chất.“

Cha tôi nói tiếp: „Họ đã đến một nước mà nơi đó họ không phải sợ hãi nữa, song họ có thể bắt đầu một cuộc sống mới với lòng dũng cảm và sự vững tin vào tương lai.“

Với niềm tin và lòng dũng cảm xây dựng một cuộc sống mới – Quý vị đã đạt được điều này. Những người tỵ nạn hồi đó hiện nay là những người đồng hương được trọng vọng và là những người hàng xóm tốt. Họ là một phần tử quan trọng không thể thiếu được trong cộng đồng chúng ta; khi tới đây với hai bàn tay trắng vậy mà sau chục năm với những cố gắng và nỗ lực quý vị đã gầy dựng cho mình và cho các con mình một cuộc sống mới. Thật là đáng phục !

Những thành công này – Những thành công của quý vị đã mang lại cho cha tôi tràn đầy niềm vui. Quý vị hãy nên hãnh diện về những gì quý vị đã đạt được.

Hôm nay chúng ta hãy cùng hồi tưởng lại quá khứ. Chúng ta hãy tưởng nhớ tới những người đã bỏ mình trên con đường vượt biên. Số phận họ nhắc nhở chúng ta không được nhắm mắt làm ngơ trước chiến tranh, trước bất công và bạo lực trong thế giới này. Chúng ta cũng nhớ đến trong niềm hân hoan là rất nhiều người đã được cứu vớt – Sự cứu vớt của chính quý vị; cứu vớt để đưa đến sư bắt đầu của một cuộc sống mới.

Ngọc-Hòa chuyển ngữ