Home » Tin Tức » Cộng Đồng Đức » Thư ngỏ nhân ngày tưởng niệm 40 năm Cộng Sản chiếm đóng miền Nam Việt Nam

Thư ngỏ nhân ngày tưởng niệm 40 năm Cộng Sản chiếm đóng miền Nam Việt Nam

Các bạn Việt Nam, anh chị em thân mến,

Thay mặt nhóm „cầu nguyện cho hoà bình“ ở Leipzig tôi xin gửi lời chào đến quý vị nhân ngày Quốc Hận, ngày 30 tháng tư. Các đây đúng 40 năm cuộc chiến Việt Nam với đầy tổn thất đã chấm dứt với sự chiến thắng của phía Bắc Việt và đưa đến thống nhất đất nước dưới sự cầm quyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Những gì xảy ra sau đó không phải là hòa bình song là sự tái diễn của bạo lực ngay đối với người dân mình. Những mối đe dọa nguy hiểm của các trại tù cải tạo, tra tấn và xử tử đã làm cho gần hai triệu người phải bỏ nước ra đi. Danh từ „Boatpeople“ từ đó đã in vào tâm não của loài người. Với từ ngữ này người ta liên tưởng đến hình ảnh những người tỵ nạn; họ chấp nhận mọi khó nhọc, rủi ro và nguy hiểm để tìm sự giúp đỡ và bảo vệ tại hải ngoại. Rất nhiều người đã không đạt được mục tiêu họ mong muốn. Những tấn bi kịch xảy ra trên biển Đông trong thời gian này cho chúng ta mường tượng ra được những sự khủng khiếp mà quý vị cũng như những đồng hương của quý vị đã phải trải qua.

Ngày hôm nay quý vị tưởng nhớ đến các thân nhân đã bỏ mình trên biển cả và cũng tưởng nhớ đến vô số nạn nhân đã và đang lên án chế độ Cộng Sản. Với một tâm trạng buồn vui lẫn lộn quý vị nhìn về Việt Nam và hy vọng sự thay đổi ngày càng lớn mạnh để đưa tới dân chủ, để đưa người dân tới tự do, công bình và một tương lai tốt đẹp hơn.

Chúng tôi, nhóm „cầu nguyện cho hòa bình“ xin được chia xẻ với quý vị những kinh nghiệm về cầu nguyện; nó đã trở thành „nguồn sức mạnh“ cho chúng tôi ở Leipzig. Những buổi cầu nguyện ở nhà thờ Nikolai (Nikolaikirche) vào mỗi ngày thứ hai lúc 17 giờ kể từ năm 1982 trở đi đã đóng góp một phần quan trọng trong „cuộc cách mạng bất bạo động“ (Friedliche Revolution) vào năm 1989. Chúng tôi cảm nhận rằng những lời cầu nguyện của chúng tôi có sức mạnh làm phá tung những gông xiềng và đưa đến tự do, bởi vì Thiên Chúa nghe những tiếng kêu la, van nài và cầu xin của chúng ta. Trong bài giảng trên núi của Chúa Giêsu có câu: „Phúc cho ai hiền lành vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa“. (Matthêu 5, 9). Câu này nhắc nhở cho chúng ta thấy rằng bạo lực không phải là phương tiện để giải quyết vấn đề. Sau cuộc cách mạng bất bạo động và sau khi nước Đức thống nhất chúng tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện, vì trong thế giới vẫn còn rất nhiều khốn khó.

Cùng với quý vị, những người Việt hiện đang sinh sống ở nước Đức, chúng ta cầu nguyện cho hòa bình, tự do và phi bạo lực giữa loài người chúng ta. Vào ngày 30 tháng 4 này chúng tôi đặc biệt nhớ đến Việt Nam, cầu xin sự chữa lành các vết thương, sự tha thứ và lòng can đảm cho một tiến trình dân chủ hóa.

Thay mặt nhóm „cầu nguyện cho hòa bình“ thân ái kính chào

Leipzig, ngày 22 tháng 4 năm 2015

Mục sư Bernhard Stief, Nikolaikirche Leipzig

Ngọc-Hòa chuyển ngữ