Home » Tin Tức » Cộng Đồng Đức » Thư ngỏ nhân buổi lễ tưởng niệm 40 năm Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam

Thư ngỏ nhân buổi lễ tưởng niệm 40 năm Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam

của ông Rainer Eppelmann,

Bundesstiftung zur Aufarbeitung der SED-Diktatur;

chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của

Cơ Quan Liên Bang điều nghiên về chế độ độc tài đảng trị SED (Sozialistische Einheitspartei Deutschlands: Đảng Xã Hội Thống Nhất Đức Quốc)

Kính thưa quý vị,

Kính thưa quý thành viên và thân hữu của Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức thân mến,

vào mùa Thu năm 1989 tại Cộng Hòa Dân Chủ Đức (CHDCĐ) một thời kỳ gần như khó tin đã bắt đầu. Chỉ trong vòng vài tháng chế độ độc tài đảng trị Cộng Sản SED, một chế độ trong suốt 40 năm tưởng chừng như không thể lay chuyển được, đã hoàn toàn sụp đổ dưới sức ép của phong trào đối lập và những người biểu tình bất bạo động. Tất cả xảy ra thật nhanh: Vào mùa Hè 1989 một làn sóng rất lớn người chạy trốn qua Hung-Gia-Lợi (Ungarn) và sứ quán Đức ở Prag; bắt đầu mùa Thu là những cuộc biểu tình lớn tại CHDCĐ; kế đến ông Erich Honecker bị lật đổ và sau cùng là sự sụp đổ của bức tường Bá Linh. Những hình ảnh và những cuốn phim quay cảnh vui mừng khôn tả của người dân trong đêm định mệnh 09.11.1989 đã đi khắp thế giới như một biến cố chưa từng có trước đó. Vận tốc của những biến cố liên tục và lôi cuốn này đến duy nhất từ người dân CHDCĐ và ý chí của họ muốn thay đổi tận gốc rễ thể chế chính trị – Đảng Cộng Sản Đông Đức SED đã không còn gì để chống trả lại những người trước đây là thuộc cấp của họ. Ngay cả sau khi bức tường Berlin sụp đổ, những sự việc vẫn diễn ra với một tốc độ vũ bão: Hội nghị bàn tròn khắp đất nước, tấn công các trung tâm của công an mật vụ, bầu cử nghị viện nhân dân tự do đầu tiên, và rốt cuộc là biến cố mà nhiều người hằng mong mỏi đợi chờ: Thống Nhất Đức-Quốc. Đêm mùng 03 tháng 10 năm 1990 ở cổng thành Brandenburger Tor tại Berlin cũng như những nơi khác hàng mấy trăm ngàn người đã ăn mừng biến cố chấm dứt chia đôi đất nước như một ngày hội lớn của dân tộc. Ngày 03 tháng 10 đánh dấu điểm cuối thành công của một cuộc cách mạng bất bạo động chưa từng có trong lịch sử nước Đức, và cũng là một cuộc khởi hành của nước Đức đi vào thống nhất trong dân chủ, tự do và hòa bình cùng với sự đồng tâm của các nước láng giềng Âu Châu.

Năm 2015 này chúng ta mừng 25 năm thống nhất Đức-Quốc. Chúng ta chia xẻ niềm vui này với hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới đã sinh sống tại nước Đức từ rất lâu hoặc mới đây vì nhiều nguyên do khác nhau. Nhiều người đồng hương mới của chúng ta là những người tỵ nạn vì chiến tranh, vì bạo lực và bị đàn áp vì khác chính kiến. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thống nhất đất nước tôi cảm thấy điều quan trọng cần nhắc nhở là trên thế giới vẫn còn nhiều nước nằm dưới sự kềm kẹp của các chế độ độc tài và độc quyền đàn áp những khát vọng tự do và dân chủ của người dân. Đáng tiếc Việt Nam cũng thuộc về trường hợp này. Một nước, xét theo địa dư mặc dầu xa Đức Quốc, nhưng lại rất gần gũi với chúng ta, vì ngay tại Berlin này, hiện có rất nhiều người có nguồn gốc Việt Nam đang sinh sống.

Là một người đấu tranh cho quyền công dân ở Đông Đức, người đã được cùng đóng góp để đưa đến sự sụp đổ của chế độ độc tài Cộng Sản cũng như đưa đến tiến trình dân chủ hóa tại Đông Đức và thống nhất nước Đức, hôm nay tôi xin phép được chia xẻ với quý vị một kinh nghiệm như sau:

Chế độ độc tài tự nó đối nghịch lại với bản tính tự nhiên của con người là yêu mến tự do, và nó không thể tồn tại mãi mãi, cho dù chúng ta cảm thấy như vậy sau mấy chục năm. Có ngày các chế độ này sẽ sụp đổ. Lịch sử của phe đối lập chống lại chế độ độc tài cộng sản tại Đức cho chúng ta thấy rằng, mặc dầu nhà cầm quyền có cố gắng hết sức nhưng không thể dập tắt được hoàn toàn những tư tưởng và nỗ lực đòi dân chủ và nhân quyền; và khi những điều kiện chính trị trong nước và quốc tế thuận lợi thì nó sẽ tạo thành một lực rất mạnh và tự đi con đường mà không ai có thể ngăn cản được. Và khi những dấu hiện thay đổi ở Đông Á Châu và Việt Nam xuất hiện thì mặc dù sau nhiều năm sống dưới chế độ độc tài, người dân vẫn sẽ tạo được điểm quy tụ cho phong trào đòi tự do dân chủ.

Nhân dịp này tôi không những chỉ xin gửi đến lời chào nồng nhiệt, song còn muốn đặc biệt cảm ơn Liên Hội Người Việr Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức về những nỗ lực và xin hết lòng khuyến khích các thành viên tiếp tục tranh đấu cho một tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam!

Ngọc-Hòa chuyển ngữ