Home » Tin Tức » Cộng Đồng Đức » Thư ngỏ của bà Vera Lengsfeld

Thư ngỏ của bà Vera Lengsfeld

Vera Lengsfeld là con gái của công an mật vụ Stasi Đông Đức, một người đấu tranh cho dân quyền và là cựu dân biểu Quốc Hội Đức, người được nhận huy chương Bội Tinh Liên Bang, nhân buổi lễ tưởng niệm 40 năm Quốc-Hận do Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức tổ chức vào ngày 25.04.2015 tại Berlin.

Kính thưa quý vị,

mặc dù Việt Nam và Đức Quốc vì lý do khoảng cách địa dư không có chung một lịch sử mật thiết, nhưng hai nước liên kết với nhau một cách rất tích cực: Những số phận cá nhân là khởi điểm bắt đầu của những mối tương giao này, trong nhiều trường hợp không những chỉ biến đổi thành tích cực song còn đưa đến những nối kết đa dạng giữa hai dân tộc.

Những lối sống khác biệt của những thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam và những người thợ khách Việt Nam thời Đông Đức cũ cho ta nhìn thấy những khía cạnh khác nhau trong mối tương giao Đức-Việt.

Chiến tranh Việt Nam đã để lại ảnh hưởng nhiều nhất tại Tây Đức vào thập niên 1970 trong giới tốt nghiệp đại học. Trong thời gian này ý thức về tầm quan trọng của một tiến trình hòa bình được kết tụ. Và theo cái nhìn của tôi thì cảm tình nghiêng quá nhiều về phía Cộng Sản.

Hiện tượng này đáng tiếc lại xảy ra một lần nữa trong cuốn phim nói về chiến tranh Việt Nam mới được đài Arte cho chiếu, mà bạn đồng nghiệp của tôi, ông Röhl tả rất đúng như sau:

„Der Vietnamkrieg. Gesichter einer Tragödie“ („Chiến tranh Việt Nam. Những khuôn mặt của một bi kịch“) là tựa đề về một cái nhìn của „quái nhân một mắt“ đối với chiến tranh Việt Nam lần thứ hai (đó là chiến tranh mà quân đội Mỹ đóng vai côn đồ). Nếu cuốn phim này không được sản xuất trong các phòng thâu phim dưới quyền chỉ đạo của cơ quan tuyên truyền Hà Nội, thì đài WDR đáng có quyền đòi Hà Nội phụ thêm tiền tài trợ cho những phí tổn.“

Dầu vậy, tinh thần tương trợ được dành cho những người tỵ nạn Việt Nam đã là một dấu hiệu rất mạnh in sâu một cách tích cực vào những cuộc biện luận trong xã hội mà không lệ thuộc vào lập trường đánh giá chính trị về chiến tranh Việt Nam.

Ngay ở nước Đức, trong lúc đề tài „Đức Quốc – một quốc gia di dân“ đã phải được mang ra bàn thảo tỉ mỉ, thì „Boatpeople“ đã đạt được chức năng là tấm gương: Họ đã hội nhập vào thể chế dân chủ ở đây, chủ động tham gia vào đời sống xã hội và tạo những mối giây liên lạc với Đông Nam Á. Tôi xin cảm ơn quý vị về khía cạnh này.

Tôi cũng đã hân hạnh được làm quen với những người đại diện của thế hệ thứ hai, mà theo nhận xét của tôi, họ cũng hội nhập rất tốt vào xã hội, trong những vai trò chẳng hạn như là thông dịch viên, kỹ sư hay chuyên viên về điện toán.

Chỉ còn điều duy nhất là chúc cho những cộng đồng người Việt tìm gặp nhau nhiều hơn. Những người thợ khách Việt Nam qua Đông Đức dưới chế độ Cộng Sản SED cũng không có một cuộc sống đơn giản, thêm vào đó chính sách ngăn chia sai lầm của chế độ dường như vẫn còn ảnh hưởng tiêu cực cho tới nay. Điều đó đáng tiếc và nên được chữa lành.

Ngoài ra, tôi cũng muốn nhắc tới một nhóm người ở Việt Nam cần sự liên đới của chúng ta: Đó là những người tranh đấu cho nhân quyền, tự do, quốc gia lập hiến và dân chủ. Tôi xin đơn cử một số phận điển hình là Lê Quốc Quân, một luật sư và là một Blooger, bị bắt sau khi dám nói rõ quan điểm của mình và đã bị bỏ tù sau một phiên tòa mờ ám. Con trai tôi, tiến sĩ Philipp Lengsfeld trong vai trò dân biểu quốc hội liên bang, đã đứng ra bảo hộ cho Lê Quốc Quân trong khuôn khổ chương trình: „Dân biểu bảo vệ dân biểu“, để mang trường hợp này ra công luận.

Tôi tin chắc rằng, tất cả chúng ta đều mong ước, thể chế cộng sản hiện nay ở Việt Nam sẽ bị thay đổi tận gốc rễ và bị loại bỏ. Ở nước Đức tiếp theo thể chế Đức Quốc Xã bất chính là chế độ bất công Đông Đức. Mãi tới khi chế độ này bị dẹp bỏ thì tình hình đất nước chia đôi mới kết thúc. Sau 40 năm truyền thống dân chủ ở miền Nam Việt Nam bị chấm dứt, đã đến lúc cả nước Việt Nam phải trở thành một quốc-gia tự do cho mọi người dân của họ. Tôi thường rất thận trọng khi dùng nước Đức làm gương cho đủ mọi chuyện, song tôi nghĩ, những quyền tự do mà chúng ta cùng hưởng ở Đức Quốc: Tự do phát biểu, tự do biểu tình, tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do lập đảng và hội đoàn, bầu cử tự do, tự do khảo cứu, tự do lập hãng xưởng, tự do thành lập các công đoàn… tất cả những tự do này là nhân quyền mà tại Việt Nam cũng phải có giá trị. Những ai tranh đấu cho những quyền này, dù ở Việt Nam hay Âu Châu đều được tôi cảm phục, đồng tình và nâng đỡ.

Ngọc Hòa chuyển ngữ