Home » Tin Tức » Cộng Đồng Đức » Phụng sự chỉ một lần?

Phụng sự chỉ một lần?

BS Trần Văn Tích

Te servir, chère Indochine… Khi một số nam sinh viên đặt lời cho bài Marche des Étudiants để cho hai nữ sinh viên cất cao giọng hát bài đó nhân buổi lễ mãn khoá niên học vào mùa hè năm 1942 tại Đại Giảng đường Viện Đại Học Đông Pháp ở Hà Nội với sự tham dự của viên Toàn quyền Pháp, có lẽ những sinh viên Việt Miên Lào hiện diện tại buổi lễ thực tâm mang tấc lòng muốn phụng sự xứ Đông Dương, tuy rằng xứ Đông Dương của họ đang do người nước ngoài cai trị và tuy rằng trước đó hơn mười năm, mười ba liệt sĩ Yên Bái đã lên đoạn đầu đài với lời hô vang dội Việt Nam muôn năm (Việt Nam thay vì Indochine!). Giới sinh viên cao đẳng bắt đầu tha thiết yêu mối tình đầu phụng sự và nhóm anh hùng phục quốc cũng hào hùng thực hành mối tình lớn phụng sự.

*

Trong thời gian hành nghề dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà từ 1962 đến 1975, tôi cố gắng làm tròn trách nhiệm cá nhân đối với nhiều đối tượng khác nhau. Khi chữa bệnh thì đối tượng phục vụ là bệnh nhân, khi giảng dạy thì đối tượng phục vụ là sinh viên. Nhưng đối tượng phục vụ của tôi có khi lại là các sĩ quan quân y Hoa Kỳ mà tôi từng cộng tác trong một số công trình nghiên cứu hỗn hợp Việt-Mỹ. Dù đối tượng có khác biệt nhưng tôi luôn luôn làm hết sức mình vào những dịp giúp đỡ người khác. Nhìn lại một cách thực tổng quát, tôi quan niệm là tôi đã phụng sự chế độ quốc gia, phụng sự hiểu theo nghĩa là phục vụ hết lòng.

Từ tháng 05 năm 1978 đến tháng 04 năm 1982, tôi bắt buộc phải làm việc trong chế độ cộng sản. Đối với bệnh nhân và đối với sinh viên, tôi chủ trương mình phải làm tròn trách vụ của người thầy thuốc do chế độ quốc gia đào tạo vì hai lý do chính : nghĩa vụ luận của người y sĩ ràng buộc tôi với người bệnh và với học trò; đồng thời tôi muốn chứng tỏ cho các bác sĩ do miền Bắc đào tạo là hệ thống đào tạo bác sĩ của Miền Nam vượt trội hẳn Miền Bắc. Tôi đã phục vụ bệnh nhân và sinh viên khi tham gia “biên chế cách mạng“ nhưng tôi triệt để không hề mang tâm trạng phụng sự chế độ xã hội chủ nghĩa.

Bỏ nước ra đi để rồi hội nhập thành công vào xã hội Đức từ 1984, tôi trở lại hành nghề y sĩ qua hai chức năng quen thuộc gồm điều trị bệnh nhân và giảng huấn y học. Tôi chỉ nghỉ hưu hẳn vào đầu năm 2012, khi tròn tám mươi tuổi. Tôi vẫn dốc lòng hoàn tất nhiệm vụ người thầy thuốc. Tôi vẫn phục vụ nhưng từ chiều sâu tâm khảm, tôi không hề có cảm tưởng là mình đang phụng sự. Tôi làm việc với người Đức chỉ là để mưu sinh, chỉ là để khỏi sống nhờ trợ cấp xã hội; nhưng tôi không thể nào nghĩ được là mình phụng sự quốc gia hay dân tộc đang cưu mang mình và gia đình mình mà tôi hàm ân rất nặng vì đã giúp chúng tôi sống sót trong tự do.

Sở dĩ như vậy có lẽ là do môi trường văn hoá-xã hội trong đó tôi hiện đang sống nốt thời gian cuối đời, tôi nghĩ như thế. Nước Đức vốn không phải là một nước di dân; nhập cư Đức quốc sau một thời gian có thể được cấp quốc tịch nhưng điều đó không có nghĩa là anh hay chị trở thành người Đức chính cống. Tôi có cảm tưởng dường như nhiều đồng bào chúng ta di trú tại Hoa Kỳ không mang tâm trạng này (tôi chỉ muốn đề cập đến thế hệ thứ nhất đào thoát khỏi địa ngục cộng sản). Nhưng ngoài Hợp chủng quốc thì sao? Các đồng nghiệp cùng trang lứa với tôi tạm dung trên đất Thụy sĩ có sống cảnh đời phụng sự dưới lá cờ chữ thập trắng hay không? Bao nhiêu đồng bào của tôi dẫu trở thành citoyens francais, dẫu thuộc lòng La Marseillaise, mà thực lòng phụng sự La Grande Nation?*

*

Di chứng của hội chứng tâm lý-tâm thần tạm mệnh danh là hội chứng phụng sự chỉ một lần là thái độ có lẽ không hoàn toàn bình thường nơi người bệnh Trần Văn Tích : đương sự không thích nghe, không thích đọc những lời lẽ xúc phạm đến các nhân vật lãnh đạo hai nền Cộng Hoà mà đương sự từng phụng sự là một; đương sự nuôi tấc lòng trung nghĩa kiên trì đối với biểu tượng của hai nền Cộng Hoà mà đương sự từng phụng sự tức Quốc kỳ Nền Vàng Ba Sọc Đỏ là hai và đương sự dốc lòng bảo vệ kết liên Cộng đồng Người Việt Tỵ nạn, được xem là thừa kế pháp lý và đạo lý của hai nền Cộng Hoà mà đương sự từng phụng sự là ba.

Cô trung hay ngu trung, di thần hay chấp nệ?

*Trường hợp Đại tá Trần Đình Vỵ đáng được đan cử. Mang cấp bậc Thiếu tá Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, Ông tỵ nạn tại Pháp và được thu nhận vào binh chủng Lê dương cũng với cấp bậc Thiếu tá Quân đội Pháp. Ông về hưu với cấp bậc Đại tá. Ông đã phụng sự hai lần hai Tổ quốc.