Home » Tin Tức » Cộng Đồng Đức » Phép lạ trên biển Đông

Phép lạ trên biển Đông

Cap Anamur

Trích trong báo: „Welt am Sonntag“, Nr. 32 / 10.August 2014.

Người viết: Jürgen Bröker
Foto: Catrin Moritz

 

Phép lạ trên biển Đông 

Ông Vincent Nguyễn Văn Rị vượt biên năm 1981. Với vợ, 4 con và 95 thuyền nhân khác ông đã lênh đênh trên biển 6 ngày trong một ghe nhỏ. Sau đó tàu Cap Anamur đã tới và cứu họ.

 

Trong phòng ăn tại tư gia ở Mönchengladbach ông Nguyễn Văn Rị đã kể về cuộc đời đầy biến động của ông. Ở đây có tất cả 12 ghế ngồi. Đủ chỗ cho vợ và 8 người con; và cho nhiều khách thường lui tới đây. Nhưng cái bàn ăn này không lớn đủ cho „cuộc đời“ của ông Rị. Người Việt Nam đầy hiếu khách này đã để lên bàn những cuốn an-bum (Album), những tập hồ sơ, hình ảnh chụp chung với Đức Giáo Hoàng, với các chính trị gia, với gia đình, những lúc nhận các giải danh dự do thành phố, tiểu bang trao tặng…. Trong tất cả những tấm hình này người ta nhìn thấy một người đàn ông cười hạnh phúc, thường thì trong bộ Âu phục và mang cà-vạt (im Anzug und Krawatte).

 

Cuộc sống của ông Rị được như vậy là nhờ Cap Anamur. Từ chiếc tàu chở hàng được biến chế thành tàu cứu người, bắt đầu ngày 13.8.1979 đến giữa thập niên 1980 tàu Cap Anamur đã cứu hơn 11.000 người Việt. Năm 1981 ông Rị và vợ cùng 4 con cũng đã bước lên con tàu Cap Anamur và từ đó họ bắt đầu một cuộc sống mới.

 

Ông Rị và những người khác đã phải chuẩn bị cả năm trời cho chuyến đi vượt biên. „Cả năm trời chúng tôi không được kể cho ai nghe để chính quyền Việt Cộng không nghi ngờ.“

Trước đó ông đã 2 lần thất bại trong 3 lần vượt biên. Lần thứ nhất vì có người đi kể với những người „không thể tin tưởng“ nên phải bãi bỏ. Lần thứ hai ông Rị đã lên ghe, song những người trên ghe vì quá sợ nên ghe phải trở vô lại đất liền.

 

Vào một ngày trong tháng sáu năm 1981 là lần thứ ba. Ông Rị biết đây là lần cuối cùng. „Thà chết trên biển còn hơn là trở lại Việt Nam“. Người đàn ông 60 tuổi này rời bỏ quê hương để chạy trốn những cuộc truy lùng và ức đáp của chế độ Cộng Sản“. „Trong chiến tranh Việt Nam tôi là lính và chiến đấu bên cạnh các lực lượng Tây Phương “. Vì thế ông đã bị theo dõi, song còn có thể tự do đi lại.

 

Ông đã vay mượn tiền của hàng xóm, bạn bè và người quen để đủ tiền mua một chiếc ghe. Sau đó ông cùng vợ, 4 con và 95 người khác ra khơi với hy vọng sẽ có tàu vớt họ. Đang kể ông Rị bước ra khỏi bàn; ông ngồi chồm hổm và nói: „Chúng tôi đã ngồi như vậy, người kế người, con nít, đàn ông, đàn bà, tổng cộng là 101 người trên một chiếc ghe dài 12,50 mét, 2,50 mét chiều rộng. Lớn cỡ phòng khách nhà ông. 31 mét vuông cho 101 người. Giống như vỏ của hạt dẻ trên biển cả mênh mông, bị sóng dồi qua dồi lại. 6 ngày và 5 đêm. Chỉ có 2 lít nước cho mỗi đầu người. „Thật là khủng khiếp. Con nít và người lớn la khóc. Có vài người bị say sóng nên ói mửa“. Ông Rị ngồi vào lại bàn ăn. Người ta có cảm tưởng ông đang trải qua lần nữa cuộc vượt biên này. Ông kể là có thấy những thuyền chở hàng đang chạy đằng xa. Những người trên ghe cởi áo để phất làm hiệu, hò hét, nhưng những chiếc tàu này phớt lờ như không thấy họ. „Có lẽ vì chúng tôi quá đông ai mà lo cho xuể. Chúng tôi nghĩ chắc chúng tôi sẽ phải chết đuối.“ Giống như 500.000 thuyền nhân Việt Nam đã vùi thân trong lòng biển. Ông Rị lập đi lập lại nhiều lần: „500.000 người Việt đã chết“.

 

Thật sự nếu tình trạng này kéo dài thêm một chút nữa thì số phận của 101 người, với ước mơ sẽ đến được bến bờ tự do và tốt đẹp hơn, sẽ giống như số phận của 500.000 thuyền nhân trên. „Chỉ 1 ngày lâu hơn trên biển thì chắc không ai trong chúng tôi sống sót cả“. Con gái ông Rị, lúc vượt biên là bé sơ sinh mới được 10 ngày, vài tiếng trước khi khởi hành cô đã được rửa tội. Nguyễn Kim Ngân nói: „ Bố Mẹ tôi kể là trước khi ra bến để đi vượt biên họ tìm được một linh mục để rửa tội cho tôi. Thế là họ làm ngay“.

 

Dĩ nhiên Kim Ngân không còn nhớ gì về cuộc vượt biên, chỉ được nghe Bố Mẹ kể lại: Trên ghe không còn thực phẩm, hết nước và mẹ cô không có sữa cho cô. Khi lên tàu Cap Anamur cô cân nặng chỉ có 2100 gram. „Nếu trễ hơn một ngày thì chắc tôi sẽ chết đói hoặc chết khát.“

Rất may là họ đã được tàu Cap Anamur cứu kịp thời; trước tiên họ được đưa tới Philippin, sau đó qua Đức. Gia đình ông Rị hiện sống tại Mönchengladbach. Kim Ngân nói: „Bây giờ nhìn lại chiếc ghe mà chúng tôi hồi đó dùng để vượt biên tôi không thể tin rằng chúng tôi đã ngồi trên đó với số lượng người đông như vậy. Thật là phép lạ khi tất cả chúng tôi đều sống sót“.

 

Kim Ngân đã học đại học về ngành kinh tế quản trị và hiện đang làm việc tại một hãng ở thành phố Essen. Tất cả 7 anh chị em đều đã hoặc đang học đại học. „Bố Mẹ chúng tôi luôn nhắc nhở là khi qua đây chúng tôi có cơ hội để học lên cao“. Cơ hội này tất cả các người con đã nắm lấy. Chuyến vượt biên thì vẫn sẽ mãi thuộc về „tiểu sử“ của gia đình.

 

Ông Rị không ngừng lên tiếng cám ơn Dr. Rupert Neudeck và các người Đức khác, đã ra khơi cứu các thuyền nhân khỏi bị chết đuối; và chính quyền Đức đã cho ông một quê hương mới. Và ông không quên tạ ơn Thượng Đế và Đức Mẹ Maria. Ông Rị là một tín hữu Công giáo sùng đạo. Để trả ơn, trong nhiều năm qua ông đã giúp đỡ thiện nguyện nhiều hội đoàn và những chương trình từ thiện. Ông quyên tiền, đóng góp nhiều cho cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Đức, và là thành viên trong cơ quan giúp đỡ những người tỵ nạn Việt Nam. Mọi việc này ông đều làm vô vị lợi.

 

Từ ngày ông rời Việt Nam đất nước có nhiều thay đổi. Nhưng Cộng Sản vẫn còn nắm quyền. Bao lâu còn Cộng Sản ông không muốn trở lại. Nước Đức, Mönchengladbach hiện là quê hương của ông. Nhìn qua cửa sổ lớn từ phòng khách dẫn ra vườn ông nói: „Đẹp quá, phải không ?“. Ông chỉ những bụi sà lát, các loại rau đang lên tươi tốt. Ở một giàn có một loại cây trông giống như cây „Zucchini“ bên Âu Châu này. Gia đình ông Rị gọi cây này là „cây bầu“. Loại này cũng được trồng ở Việt Nam.

 

Ngọc Hòa lược dịch