Home » Tin Tức » Cộng Đồng Đức » Ngày Y Tế “Sức Khỏe và Gia Đình”

Ngày Y Tế “Sức Khỏe và Gia Đình”

Hội Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại Mönchengladbach tổ chức ngày 15.6.2013

Lê Ngọc Túy Hương

Tôi trở lại M’Gladbach lần thứ hai trong vòng 5 tháng. Lần trước khi tôi tới tham dự Hội Tết Quý Tỵ 2013, thành phố chìm sâu trong băng giá lạnh lẽo của mùa đông. Kỳ này thì M’Gladbach xanh tươi rực rỡ. Xen lẫn đâu đó những bụi hoa đang thi nhau khoe sắc thắm. Tức cảnh sinh tình, lòng tôi vốn sẵn hân hoan lại càng thêm sảng khoái. Hôm nay tôi đến đây để tham dự ngày Y Tế với chủ đề “Sức Khoẻ Và Gia Đình” do Hội Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại M’Gladbach tổ chức.

Cơn mưa rào đầu hạ vào giữa trưa đã phủi sạch những hạt bụi vương mắc trên cây lá, nhưng lại làm bận lòng ban Tổ chức. Mọi người nhìn mưa rơi mà lòng nặng trĩu. Đề tài của buổi sinh hoạt hôm nay hoàn toàn mới lạ và đây là lần tổ chức tiên phong trong các hội đoàn người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại Đức mà lại không được thuận “thiên thời” quả là rất đáng lo ngại.

Chưa tới giờ khai mạc, tôi rảnh rỗi đưa mắt ngắm nhìn quang cảnh trong phòng hội. Căn phòng khang trang, sáng sủa, nằm trong khuôn viên ngôi thánh đường St. Heilig Geist. Ban Tổ chức, người thì lo trang hoàng, kẻ thì bày xếp các hàng ghế ngồi cho ngay ngắn, hoặc chăm chút chỉnh sửa phần âm thanh, kỷ thuật cho thật hoàn hảo. Trong nhà bếp cũng không kém phần nhộn nhịp. Các món ăn và thức uống đang được chuẩn bị hoặc bày biện thật tươm tất và khéo léo, trông bắt mắt và ngon miệng làm sao.

Cơn mưa nhẹ hạt dần. Đám mây u ám vần vũ ban nãy đang dần lui gót, nhường chỗ cho những vệt nắng nhẹ. Tôi đoán chừng “trái tim” ban Tổ chức chắc đang “vui trở lại”.

Tôi ghi nhận bắt đầu có sự xuất hiện, tuy không ồ ạt nhưng khá liên tục của người tham dự cuộc hội thảo. Hội trường dần dần vang dội tiếng chào hỏi, tiếng hàn huyên.

Đến 14:45, tuy túc số tham dự chưa mấy khả quan, nhưng ban Tổ chức quyết định khai mạc cuộc hội thảo.

Mở đầu cuộc hội thảo là nghi lễ chào Quốc Kỳ và hát Quốc Ca VNCH. Tiếp theo là phút mặc niệm cho chiến sĩ trận vong và các đồng bào nạn nhân chiến cuộc và nạn nhân bỏ mình trong cuộc bỏ phiếu bằng chân trốn chạy cộng sản. Chúng tôi cùng nhau cất cao tiếng hát và ở ngay giây phút trang trọng đó, trong lòng tôi dâng lên niềm rung động thật dạt dào, tưởng chừng như tôi đang đứng chào cờ tại quê nhà ngày nào!

Ông Nguyễn Văn Rị, Hội trưởng Hội Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản (NVTNCS) tại M’Gladbach đọc lời chào mừng quan khách và tuyên bố khai mạc cuộc hội thảo “Sức Khoẻ và Gia Đình” do Hội NVTNCS tại M’Gladbach tổ chức dưới sự yểm trợ chuyên môn của Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hoà Liên Bang Đức.

Chương trình buổi hội thảo gồm 2 phần chính:

Phần thuyết trình của nhị vị Giáo sư Bác sĩ Trần Văn Tích và Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Nam Huân.
Phần giải đáp thắc mắc cho các tham dự viên do nhị vị Bác sĩ diễn giả và một số thiện nguyện viên Y Nha Dược đảm nhiệm.

Bác sĩ Trần văn Tích, (Bonn) là bậc lão thành trong ngành Y của Việt Nam, đương kim chủ tịch Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hoà Liên Bang Đức. Ông mở đầu phần 1 của buổi hội thảo với đề tài “Chấn Thương Tâm Thần” đặc biệt được chú trọng trong mọi cộng đồng tỵ nạn lưu vong trên thế giới. Với một bố cục chặt chẽ và những thí dụ tiêu biểu, ông đã hướng dẫn cử tọa đi từ nguyên nhân sinh bệnh, sự khác nhau giữa rối loạn tâm lý và rối loạn thần kinh, đến các triệu chứng điển hình như là sự thay đổi thói quen sinh sống hàng ngày của người mắc bệnh và cuối cùng là những phương pháp cần thiết trong việc định bệnh và chữa bệnh.

Với kiến thức chuyên môn phong phú , kinh nghiệm dày dạn tích lũy từ nhiều năm hành nghề cộng thêm khả năng sư phạm sẵn có, Bác sĩ Tích đã lôi cuốn sự theo dõi của thính giả tới chữ cuối cùng trong phần thuyết trình của ông. (Dựa theo lời giới thiệu, tôi được biết Bác sĩ Trần Văn Tích vốn là giảng viên của Đại Học Y Khoa Minh Đức và Y Khoa Huế trước năm 1975).

Là một chiến sĩ chống Cộng triệt để, có thể nói ông là tấm gương sáng cho cộng đồng người Việt Quốc Gia hải ngoại, tại Đức nói riêng và trên thế giới nói chung. Trong bài thuyết trình của mình, bác sĩ Tích đã đề cập ngay việc cướp chiếm miền Nam của Cộng Sản là nguyên nhân gây ra mất mát “tất cả và đột ngột”, dẫn tới cuộc sống lưu vong với muôn vàn khó khăn trong việc hội nhập vào cuộc sống mới của người Việt tỵ nạn. Đó chính là chấn thương tâm lý sâu đậm nhất, tác động không nhiều thì ít lên đời sống và sức khoẻ của người Việt Nam tỵ nạn. Điều ông đề cập, theo tôi, là một tiếng chuông cảnh tỉnh mọi người. Cộng sản VN đã gây cảnh nước mất nhà tan, gia đình ly tán cho mọi người Việt Nam tỵ nạn mà hậu quả vẫn còn đeo đẳng mãi, sau hàng chục năm, Chúng ta, người Việt Nam tỵ nạn, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tình huống nào, đừng bao giờ quên tội ác này của đảng Cộng sản Việt Nam và nhà cầm quyền Hà Nội.

Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Nam Huân, (M´Gladbach) thuộc thế hệ 1 ½ của cộng đồng Việt Nam tỵ nạn cộng sản. Một người tuổi trẻ tài cao, đương kim giám đốc bệnh viện Elisabeth tại M’Gladbach trình bày về “Những Triệu Chứng Quan Trọng Của Vài Chứng Bệnh Thuộc Đường Tiêu Hoá”. Ông chỉ dẫn tận tình cho thính giả thấy những dấu hiệu bệnh lý đầu tiên đáng ngại cần biết, để từ đó kịp thời đi khám bệnh. Ông nhắc nhở mọi người nên nhớ là vấn đề dinh dưỡng vốn giữ vai trò cốt tủy trong sức khoẻ con người. Ông luôn nhấn mạnh : “Phòng Bệnh Hơn Chữa Bệnh” và khi thấy có triệu chứng khó hiểu thì “Cần Phải Đi Khám Bệnh Sớm” . Ngoài ra ông cũng cho một định nghĩa mới mà riêng cá nhân tôi rất tâm đắc. Ngày nay đối với những ác bệnh hay bệnh kinh niên, chúng ta không nói là bác sĩ chữa bệnh mà thật ra bác sĩ chỉ cố gắng giúp bệnh nhận làm cho cơn bệnh tiến triễn thật chậm chạp mà thôi. Vì vậy, càng phát hiện bệnh sớm chừng nào (qua việc bệnh nhận chịu khó chú ý tới những triệu chứng bất thường so với sinh hoạt hàng ngày của mình) càng giúp cho bác sĩ có xác suất cao thực hiện “việc kéo dài” này.

Bác sĩ Huân đã chấm dứt phần thuyết trình của mình bằng kết luận: một cuộc sống hài hoà, đồng điệu và thăng bằng chính là chìa khoá bảo tồn sức khoẻ cho con người. Bổ túc thêm vào yếu tố này là việc vận động cơ thể hàng ngày như đi bách bộ (10.000 bước trong một ngày) và chú ý đến vấn đề dinh dưỡng: ăn ít thịt đỏ, tránh chất béo động vật, dùng nhiều rau cải trái cây, đặc biệt là nên ăn sản phẩm theo mùa vì lúc đó rau trái đạt được phẩm chất tối đa của nó (chứa nhiều sinh tố, nhiều muối khoáng v.v.. hơn lúc trái mùa). Chúng ta cũng cần uống nhiều nước. Lượng nước cần thiết hàng ngày của cơ thể trung bình là 2 lít.

Trong khoảng thời gian thuyết trình của 2 diễn giả, một số lớn đồng hương tới muộn đã dần dần lấp đầy các ghế trống của hội trường. Do đó, giờ giải lao đã vang dội tiếng cười nói và hàn huyên, tạo một khung cảnh thật nhộn nhịp.

Sau phần nghĩ giải lao, cuộc hội thảo bước vào phần 2 của chương trình là giải đáp thắc mắc. Phụ trách chương trình “Hỏi & Đáp về vấn đề sức khoẻ ” này , ngoài 2 thuyết trình viên là Giáo sư Bác sĩ Trần Văn Tích và Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Nam Huân còn có sự yểm trợ trong lãnh vực chuyên khoa của Dược sĩ Lê Thị Bạch Tuyết (M’Gladbach), Dược sĩ Lâm Kim Khánh (M’Gladbach) và Nha sĩ Lê Ngọc Tuý Hương (Kassel). Không khí của phần giải đáp thắc mắc càng lúc càng sôi động trong tinh thần tin cậy và cởi mở. Các đồng hương đã trút bỏ được sự rụt rè ban đầu và hăng hái tham gia. Các câu hỏi bao trùm rộng lớn đến rất nhiều đề tài. Vài thí dụ điển hình:

. làm sao nhận ra triệu chứng của các bệnh cần cứu cấp;

. hiện có những triệu chứng mà không tìm ra căn nguyên để chữa trị;

. gặp khó khăn trong trị liệu, hay trị liệu đã lâu nhưng không có kết quả nên chán nản.

. cách dinh dưỡng để phòng tránh các loại bệnh kinh niên;

. những tin tức trên Net có đáng tin cậy hay không;

. vai trò của Đông Y bên cạnh Tây Y;

. cách uống thuốc cho có hiệu quả khi mắc bệnh kinh niên;

. cách kiểm soát lượng đường;

. các loại chủng ngừa nào cần thiết và hữu ích;

. những loại thuốc nào hay những phương pháp khám bệnh (cận lâm sàng) nào được cơ quan bảo hiễm sức khoẻ hoàn toàn chịu phí tổn;

. vệ sinh răng miệng; cách chọn kem đánh răng, v.v…

. liên quan giữa đá răng và nha chu;

. tác dụng tốt hay xấu nếu thường xuyên cạo đá răng;

v.v.. và v.v…

Tất cả mọi thắc mắc về chuyên môn của 3 chuyên khoa Y Nha Dược hay về các luật lệ, quyền lợi của người thụ hưởng đối với các cơ quan bảo hiễm sức khoẻ, đều được giải thích tận tường. Thỉnh thoảng vang lên những trận cười vui vẻ hoặc những tràng pháo tay tán thưởng các câu trả lời dí dỏm hay tâm đắc.

Theo đúng chương trình, sau khoảng 2 giờ hội thảo, Ông Nguyễn Văn Rị, với tư cách Hội trưởng hội NVTNCS tại M’Gladbach, nhân danh ban Tổ chức tuyên bố kết thức buổi hội thảo. Ông trao tặng hoa và ngỏ lời cám ơn nhị vị Giáo sư Bác sĩ thuyết trình viên, các Nha và Dược sĩ yểm trợ phần giải đáp thắc mắc và toàn thể cử tọa tham gia buổi hội thảo. Ông không quên nói lời tri ân đến các vị trong ban Tổ chức và ẩm thực đã bỏ thời gian, công sức cùng chung tay nhau thực hiện cuộc hội thảo “Sức Khoẻ và Gia Đình” được kết quả mỹ mãn. Ông hy vọng rằng những tham dự viên ngày hôm nay đã có được những kiến thức căn bản bổ ích cho sức khoẻ cá nhân và người thân trong gia đình. Với không khí sinh hoạt thân thiện, ấm cúng và bổ ích, ông chắc chắn các lần tổ chức tới sẽ nhận được sự tham gia và hổ trợ đông đảo hơn.

Sự thành công của buổi hội thảo về Y Tế được tổ chức lần đầu tiên trong lịch sử 30 năm của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Đức đã mang lại thật nhiều phấn khởi cho tất cả mọi người. Tất cả cùng hẹn sớm gặp lại nhau tại một kỳ hội thảo mới.

Sau buổi ăn chiều nhẹ và ươm đầy tình thân quý do Hội NVTNCS tại M’Gladbach khoản đãi tất cả các tham dự viên, tôi rời phòng hội thảo với thật nhiều an lạc. Ngày sinh hoạt đầy hữu ích cho Cộng đồng người Việt Nam Tỵ nạn cộng sản tại Đức hôm nay mang lại cho tôi một niềm hạnh phúc to lớn. Tôi miên man trong nỗi hạnh phúc đó trên suốt đoạn đường về.

Lê Ngọc Tuý Hương

16.6.2013