Lá Thư từ Đức Quốc
Món Quà Giáng Sinh Đặc biệt 2016 của Diakonenhaus Moritzburg tặng cho người Việt tỵ nạn tại CHLB Đức
* Lê Ngọc Châu
Lời phi lộ: Là một tham dự viên độc lập và đồng thời cũng là phóng viên của Nhật báo Cali Today/USA, tôi từ Nam Đức đã theo phái đoàn đi tham dự buổi hội luận đã hẹn trước giữa đại diện NVTN tại Đức cùng với hai vị lãnh đạo của Diakonenhaus tại Moritzburg do Ban Chấp Hành Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hoà Liên Bang Đức hướng dẫn hôm 09.12.2016, với mục đích trực tiếp trình bày rõ lập trường của NVTN chúng ta với cấp lãnh đạo trách nhiệm của Hội Thánh Tin Lành Moritzburg về dự án muốn trùng tu địa danh mà Hồ chí Minh đã có lần ghé thăm vào năm 1957. Ngôn ngữ được sử dụng là tiếng Đức. Rất tiếc sau 4 ngày lang thang về thì bị cảm cúm nặng cả tuần nên hôm nay mới chuyển ngữ và tóm lược nhanh vài điểm chính của buổi hội thảo quan trọng nói trên giới thiệu đến quý độc giả xa gần. Là một bài chuyển ngữ được tóm lược nên thiếu sót khó tránh khỏi. Mong quý vị có mặt trong buổi hội luận hoan hỷ cho. Trân trọng cám ơn (LNC).
* * *
* Cuộc gặp gỡ với Diakonenhaus tại Moritzburg hôm 09. Dezember 2016
Qua sự dàn xếp của Ban Chấp Hành Liên Hội người Việt tỵ nạn (BCH_LHNVTN) tại CHLB Đức tôi hân hạnh được mời tháp tùng phái đoàn chính thức gồm 8 người tham dự buổi hội luận với hy vọng qua đó ngay cả giới trí thức Đức có thể có cái nhìn khác về NVTNcs tại Đức nói riêng.
Bs Hoàng Thị Mỹ Lâm, chủ tịch LHNVTN tại CHLB Đức, trưởng phái đoàn lần lượt giới thiệu thành phần phái đoàn với chủ nhà: Bác sĩ Trần văn Tích (Bonn), Tiến sĩ Thành Nguyễn-Brem (Ingoldstadt), Dipl.-Ing. Hồ Ngọc (Berlin), Dipl.-Ing. (& ký giả tự do) Lê Ngọc Châu (Muenchen), Dipl.-Ing. Hoàng Kim Thiên (VietNam-Haus/Berlin), Diplom Sozialpädagoge Trịnh Đỗ Tôn Vinh. Diplom Sozialpädagogin Ngọc Hòa (Rheinland-Pfalz) và Bs Mỹ Lâm (Berlin). Phái đoàn NVTN mà trong đó 5 người Việt tỵ nạn cộng sản sinh hoạt độc lập đã trực tiếp tham dự cuộc đối thoại với hai vị trách nhiệm Hội Thánh Tin Lành hôm 09.12.2016 liên quan đến dự án Moritzburg .v..v… là Giáo sư Tiến sĩ (Prof. Dr.) Thomas Knittel, Vorsteher (trưởng phụ trách) và ông Jens Knechtel, lãnh đạo về hành chánh của Diakonenhaus Moritzburg . Kế đến là Prof. Thomas Knittel chào mừng phái đoàn NVTN tại Đức và giới thiệu với chúng tôi về cơ cấu, nhân sự cũng như hoạt động tín ngưỡng, xã hội, giáo dục từ thiện … của Moritzburger Diakonenhaus (Deacon House).
Như đã nói, tôi ghi âm buổi hội luận nhưng rất tiếc bất ngờ bị bịnh cả tuần nay tuy chưa khỏi hẵn nhưng cô gắng chuyển ngữ những điểm chính của buổi nói chuyện hôm 09.12.2016 được tôi đặt tiêu đề là “Món Quà Giáng Sinh Đặc biệt 2016 của Diakonenhaus Moritzburg tặng cho NVTN tại CHLB Đức” giới thiệu cùng độc giả.
Ue1) Trong phần giới thiệu tổng quát về Diakonenhaus, Gs Ts. Knittel giải thích lý do về sự có mặt của trẻ con VN vào thời điểm 1957 và tại sao có bản bằng đồng ghi tên hcm ….Ts Knittel cho chúng tôi biết rằng đại sứ csVN trong lần ghé đến Moritzburg bày tỏ ý muốn làm một nơi kỷ niệm NHƯNG ý định này không nằm trong chương trình dự định và ý muốn cùa Diakonenhaus.
Ue2) Ts Knittel cũng cho biết là ông và những người trách nhiệm thừa kế đảm nhận điều hành Diakonenhaus và ký hợp đồng cho doanh nhân VN ở Berlin thuê tuy nhiên việc sử dụng không được đi ra ngoài những điều kiện ghi rõ ràng trong hợp đồng đã có từ xưa nay và nếu muốn thay đổi cần phải thảo luận với Diakonrnhaus và cơ quan chính trị làng xã (ý nói thị xã Moritzburg). Ý định của đại sứ csVN và nhóm người của họ, tuy đệ đơn xin nhưng đã bị cơ quan hữu trách từ chối. Ts Knittel khẳng định rằng Dikonenhaus KHÔNG có chú ý đến những ý định của đại sứ csVN & Co.
Ue3) Từ phía Dikonenhaus không đồng ý chuyện kiến thiết lại và cũng chẳng có ý định xây một địa điểm kỷ niệm.
Ue4) Vần đề chính còn lại là chúng tôi (Diakonenhaus) sẽ phải làm gì với tắm bảng đồng?
Ue5) Ts Knittel nói ông không thể biết ý định rõ ràng của nghị sĩ Laemmel vì ông ta có liên hệ về kinh tế với VN nhưng ông nhận thấy thị trưởng Haenisch là người ông từng giao thiệp (rất tiếc hôm nay vì bận việc gia đình nên không đến tham dự được mặc dù được LHNVTN gởi thư mời) theo Ts Knittel cũng có cái nhìn và cùng quan điểm với Diakonenhaus.
Ue6) Diakonenhaus hoàn toàn KHÔNG muốn xây địa điểm kỷ niệm (Gedenkstätte) cho hcm, chỉ muốn lưu lại kỷ niệm với trẻ em VN có lần đã sinh sống tại Moritzburg mà thôi !
Ue7) Qua câu hỏi của Bs Tích về tấm bảng đồng có khắc tên hcm thì ông Knettel trả lời rằng cho đến năm 2005 tấm bảng này được gắn trên một trụ xi măng trong công viên và có lẽ bị trộm mất vào năm ngoái !. Ông Knettel cũng nói thêm là những sự kiện liên quan đến tấm bản đồng đều công khai. Ngoài ra ông cũng thú nhận là ông đến nay không biết phân loại thế nào nhưng bây giờ mới rõ ra là ở Đức có nhiều nhóm, hội đoàn người Việt với khuynh hướng chính trị khác nhau !.
Ue8) Ông Knettel cho biết là có sự chống đối về dự án Moritzburg từ khắp nơi và có một luật sư cũng đã vào cuộc. Chính điều này làm cho Diakonenhaus lo ngại và Ts Knittel trở lại với hợp đồng thuê ký kết và dẫn chứng rằng những điều khoản trong hợp đồng phải được tôn trọng, không thể làm gì khác hơn (như đã đề cập xây thêm hay tùy tiện thay đổi theo ý người thuê). Một điểm không kém phần quan trọng khi Diakonenhaus biết rõ ý định của đại sứ csVN và người thuê thì Diakonenhaus gần như muốn hủy hợp đồng thuê mướn đã ký kết, đồng thời Ts Knittel còn “nói đùa” giả dụ rằng ai đó đã ăn cấp luôn tấm bảng đồng thì Diakonenhaus sẽ không gánh chịu những sự tranh luận như bây giờ . Ông còn nói thêm là cũng đã suy nghĩ rằng có thể đưa tấm bảng đồng vào một viện bảo tàng hay “Haus der Kunst” (tạm dịch nhà mỹ thuật) nào đó vì nó thuộc về lịch sử thời cộng sản Đông Đức và nhấn mạnh từ phía Diakonenhaus sẽ kiểm soát kỹ những ý định của người thuê muốn thực hiện và trên căn bản, những quy định trong hợp đồng không được thay đổi.
Ue9) Bs Mỹ Lâm thay mặt phái đoàn lưu ý hai vị trách nhiệm của Diakonenhaus là đại sứ csVN không đại diện cho tất cả người Việt ở Đức. Chúng tôi là NVTN không phải là những người lao động VN thời DDR hay những ai còn nằm dưới sự kiểm soát của tòa đại sứ và nhà cầm quyền csVN. Chúng tôi cũng không chống lại chuyện lưu giữ kỷ niệm với các trẻ em VN …nhưng chhúng tôi chống lại sự tuyên truyền của csVN làm cho người ta tưởng rằng chính phủ Đức hoàn toàn ủng hộ dự án Moritzburg. Chúng tôi là nạn nhân của chế độ, tôi (Bs Mỹ Lâm) là một thuyền nhân Việt tỵ nạn vì vậy có bổn phận phải lên tiếng chống lại cái dự án Moritzburg này cho đến nay kể từ khi biết đến nó và chúng tôi biết quý ông không thể làm gì khác hơn trong hoàn cảnh hiện tại.
Ue10) Qua đó, Ts Knittel nói rằng bây giờ mới biết “ViệtNam không phải ViệtNam !”. Ông khẳng định trước mặt chúng tôi không phải là bia kỷ niệm (Denkmal) mà chỉ là một nơi kỷ niệm (Erinnerungsort) với trẻ em VN ngày xưa mà chúng tôi muốn duy trì. Chính ông cũng không biết (và không ngờ) rằng truyền thông ở VN diễn giải sự việc hoàn toàn khác hẵn. Ngay cả bài viết đăng trên báo Sächsische Zeitung với ông cũng không đúng sự thật. Diakonenhaus đã cân nhắc là nên lên tiếng phản đối hay im lặng rồi sự việc sẽ lặng yên theo thời gian. Ts Knittel thú nhận là còn ngây thơ mà đúng ra phải lên tiếng phản đối ngay vì bài báo viết không đúng.
Ue11) Ts Knittel đã tế nhị yêu cầu chúng ta ghi nhận rằng tất cả những gì xảy ra đều ngoài ý muoốn của Diakonenhaus. Ông nói, chúng tôi biết rõ là dười sự thống trị của hồ chí minh người Việt và thân nhân đã gánh chịu nhiều khốn khổ và túng thiếu (Leid & Not); là nạn nhân và những vấn đề này chúng tôi chẳng những rất quan tâm mà còn không quên để từ đó không làm tổn thương những nạn nhân, chúng tôi phải nói ra rõ ràng điều này cùng quý vị. Ngoài ra, Diakonenhaus cũng không có ý định nào, chờ 1-2 năm xem điều gì xảy ra tuy nhiên những thay đổi liên quan đến hợp đồng thuê mướn cần phải có sự đồng ý của chúng tôi (ý nói của Diakonenhaus).
Ue12) Sau hơn 45 phút trao đổi quan điểm đôi bên, anh Tôn Vinh (PCT ngoại vụ của LHNVTN) bây giờ mới lên tiếng, theo nhận định của riêng tôi như muốn tóm tắc và trình bày lập trường, quan điểm của phái đoàn có mặt trong buổi hội luận và của NVTN tại Đức. Bs Tích, Bs Mỹ Lâm và anh Ts Thành Brem đủ khả năng Đức ngữ để thảo luận với cấp lãnh đạo Diakonenhaus nhưng khi nghe anh Tôn Vinh nói chuyện tôi nhận thấy rõ Ts Knittel và ông Knechtel tỏ vẽ ngạc nhiên khác thường, lý do anh Tôn Vinh đến Đức với tư cách một trẻ em tỵ nạn, lớn lên và học từ tiểu học cho đến khi xong Đại học nên lối ăn nói, cách phát âm chẳng khác gì người bản xứ, trừ màu da, nguồn gốc. Anh Tôn Vinh đã đề cập đến giá trị của lịch sử, đã nói sơ về tình cảnh “éo le” của người Việt sau 30.04.1975 mà chú, cha anh là nạn nhân của chế độ cộng sản dã man: chú anh bị giết chết, cha anh bị đưa vào “trại cải tạo” và anh là một đứa trẻ cùng với gia đình liều chết vượt biển đi tìm Tự Do. Anh đã khôn ngoan nêu ra câu hỏi với cấp lãnh đại Diakonenhaus là chúng ta sẽ nói gì với thế hệ con cháu về Moritzburg ?. Anh cũng rất tâm lý khi đề cập đến lịch sử DDR, Đức, đề cập đến thời điểm ngay sau khi bức tường ô nhục Bá Linh sụp đổ và nói cho họ biết rằng chính NVTN chúng ta từng có mặt tại Leipzig và đã từng hô to ” Heute DDR, Morgen ViệtNam ( Today DDR, Tomorrow ViệtNam. Hôm nay DDR, ngày mai Việt Nam !)”. Quá hay, đánh động đúng tâm lý hai vị lãnh đạo Diakonenhaus, vốn là người ở phía Đông tức DDR cũ !. Và tôi mạn phép đi xa hơn chút xíu cho dù có bị ghét. Cá nhân tôi chỉ là một thợ khách lâu năm ở Đức NHƯNG công tâm mà nói về trình độ Đức ngữ, ngoại ngữ Anh, Pháp riêng tôi thua xa giới trẻ lớn lên học ở đây từ nhỏ mà năm 2007 tôi đã từng đề cập và dĩ nhiên không thể nào so sánh được với anh Tôn Vinh, sự thật là vậy. Tôi đã viết trên lãnh vực đối ngoại chúng ta không thể bì với giới trẻ được nên cần khai thác khả năng con cái của gia đình NVTNcs và khuyến khích tham gia vào sinh hoạt của NVTN. Người bản xứ bảo đảm sẽ chẳng hiểu gì nếu chúng ta nói với họ bằng tiếng Việt hay phát âm không đúng và vì thế muốn họ nễ NVTN chúng ta thì hãy tự xét lại “khả năng ăn nói, trình độ Đức ngữ và địa vị của mình”, bởi lẽ dễ hiểu dân Đức nói chung giỏi, cần cù, rất tự cao, họ coi mặt đặt tên, chưa nói đến chuyện khi dấn thân đấu tranh phải hy sinh thời gian cá nhân và thời gian dành cho gia đình, hy sinh công sức và tài chánh, những yếu tố căn bản của một người dấn thân bất vụ lợi vì sinh hoạt cộng đồng và tập thể NVTN bên cạnh lý tưởng tranh đấu cho Tự Do Nhân Quyền cho VN.
Ue13) Cuối cùng, Bs Mỹ Lâm trưởng phái đoàn ngỏ lời cám ơn Ts Knittel và ông Knechtel đã hy sinh thời giờ quy báu của học để tiếp xúc phái đoàn, tương kính trao đổi quan điểm đôi bên liên quan đến dự án Moritzburg. Sau đó chúng tôi chụp hình chung để kỷ niệm.
Ue14) Tóm lại, buổi thảo luận rất cởi mở. Kết quả khả quan đúng với sự chờ đợi của phái đoàn và NVTN tại CHLB Đức. Diakonenhaus không hề có ý định làm “nơi kỷ niệm” cho hcm và Diakonenhaus cũng sẽ không để cho phía csVN và doanh nhân của họ tùy ý thay đổi hợp đồng theo ý của họ. Nếu trường hợp này xảy ra thì đây là lý do chính đáng để Diakonenhaus hủy bỏ hợp đồng thuê đã ký kết. Cá nhân tôi định hỏi về sự kiện này nhưng khi nghe Ts Knittel đã đề cập thì tôi thay vì hỏi đã trao tận tay ông hai tập tài liệu bằng Đức ngữ in sẵn mang theo với đề nghị hai ông bỏ chút thời giờ độc để hiểu rõ thêm về NVTNcs và lý do tại sao “Boat people” liều chết bỏ nước ra đi tìm Tự Do.
Và sau hết, ông Knechtel đã hướng dẫn chúng tôi đến tham quan địa điểm mà trẻ em VN đã sông năm 1957. Ông giải thích ngắn gọn về ký túc xá của các trẻ em, khu công viên cũng như trước khi chia tay đã cùng chúng tôi chụp hình lưu niệm.
Vì kết quả khả quan của buổi hội luận nên tôi phiên dịch, uyển chuyển sử dụng lối hành văn sao cho dễ đọc và xin được đặt tiêu đề là “Món Quà Giáng Sinh Đặc biệt 2016 của Diakonenhaus Moritzburg tặng cho NVTN tại CHLB Đức” giới thiệu cùng độc giả. Chỉ là bài tóm lược vì vậy sơ sót khó tránh khỏi, mong độc giả và đặc biệt các tham dự viên hoan hỷ cho mọi sự cũng như thông cảm cho sự giới thiệu trễ vì bị cảm nặng (tuy chưa khỏi hẵn mà ráng viết trả nợ cho xong).
Nhân dịp Giáng Sinh 2016 và Năm Mới 2017, kính chúc Quý Vị một Mùa Giáng Sinh An Lành, một Năm Mới 2017 An Khang Thịnh Vượng .
© Lê-Ngọc Châu (Nam Đức, tối ngày 20. December 2016)
* * *
PS: Để quý độc giả tiện theo dõi sự việc hơn, tôi mạn phép trích dẫn vài dữ kiện từ các bài viết đã được phổ biến liên quan đến sự việc được gọi ngắn gọn là “dự án Moritzburg” của Bs Trần văn Tích, Bs Mỹ Lâm và của bà cựu thượng nghị sĩ Đức Vera Lengsfeld. …
Câu chuyện bắt đầu từ một bài báo trên tờ báo Sächsische Zeitung của ký giả Sven Goerner ra ngày 19.05.2016 với tựa đề „ theo dấu vết bác Hồ“ . Bài báo tả lại cuộc gặp gỡ của Đại Sứ Đoàn Xuân Hưng và Doanh Nhân Võ Văn Long với ông Tỉnh Trưởng Joerg Haenisch , ông Giám Đốc Hội Thánh Tin Lành địa phương Jen Knechtel và ông Andreas Laemmel , Dân Biểu Quốc Hội thuộc đảng CDU vào ngày 18.05.2016 tại một công viên nằm trong Trung Tâm dạy nghề Moritzburg, một Trung Tâm trọ học và dạy nghề cho thanh thiếu niên không phân biệt chủng tộc tôn giáo .
Câu chuyện xoay quanh việc trùng tu khu công viên này với mục đích hoàn trả lại vị trí một cái bảng đồng đã được treo tại đó thời Cộng Sản Đông Đức cũ.
Tin tức đó được loan đi tạo một làn sóng phẫn nộ trong giới người Việt tỵ nạn tại Đức và ngay cả trong giới trí thức Đức am hiểu lịch sử chiến tranh Việt Nam và lịch sử Cộng Sản Đông Đức.
Phản ứng đầu tiên là lá thư ngày 28.05.2016 của Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức gửi một loạt cho :
1.-ông Dân Biểu Andreas Laemmel , là người đã đến VN vào mùa hè 2015 gặp một nhóm người cựu học sinh ở trường Käthe Kollwitz /Moritzburg và đã bị thôi miên về „ tình yêu quê hương Moritzburg „ của nhóm người này.
2.- Tỉnh Trưởng Moritzburg là ông Jörg Haenisch
3.-ông Jens Knechtel , Giám Đốc Trung Tâm Hội Thánh Tin Lành Moritzburg.
Ngày 09.06.2016 chúng tôi viết thư phản đối gửi tiếp tục đến ông Matthias Roeßler , Chù Tịch Quốc Hội Sachsen, và đến ông Otmar Schwalbe thuộc đảng CDU Sachsen.
Sau đó là một loạt thư phản đối của các nhân sĩ Đức, Việt trên toàn nước Đức, theo thứ tự:
1.-của bà cựu Nghị Sĩ Vera Lengsfeld
2.-Kháng thư tập thể của bà Ute Junker, thu thập được 1800 chữ ký
3.-một loạt 18 lá thư phản đối của Tiến Sĩ Thanh Nguyen Brem
4.-một loạt thư phản đối của ông Bernhard Bannasch, một công chức cấp cao tại Sachsen , gửi cho Dân biểu Andreas Lämmel , Tỉnh Trưởng Moritzburg Jörg Hänisch , Chủ Tịch Hội Thánh Tin Lành Moritzburg Hans Christoph Postler , Mục Sư Friedrich Drechsler . Ông Bernhard Bannasch gửi cả thư cho Dân Biểu John Mac Cain tại Washington , Tòa Đại Sứ USA tại Berlin và tòa Lãnh Sự USA tại Leipzig.
5.-một loạt kháng thư của BS Trần Văn Tích , Nha Sĩ Lê Ngọc Túy Hương , Kỹ Sư Lê Ngọc Châu , Nhân Sĩ Phạm Trương Long … Một bài viết của BS Trân Văn Tích cũng được đăng trên báo Stacheldraht ( Dây Kẽm Gai ), một phưong tiện truyền thông của UOKG cơ quan bảo vệ nạn nhân Cộng Sản Đông Đức .
6.-thư phản đối của một Dân Biểu tại Darmstadt bà Irmgard Klaff-Isselmann
7.-môt loạt thư của người Việt toàn nước Đức gửi 18 Nhân Sĩ trong Hội Đồng Thành Phố Moritzburg theo sáng kiến của bà Jana Kellersmann , một Giáo Sư ngành Ngôn Ngữ Học . Hàng trăm thư này đã làm ứ nghẹt các hộp thư tại công sở Moritzburg.
8.-Thư phản đối của Tiến Sĩ Dương Hồng Ân gửi Tỉnh Trưởng Jörg Hänisch
Lý luận sai lầm đó đã được Liên Hội và các bạn đồng hành chỉnh sửa nhiều lần , vì trong thời gian 1955-1957 thì tại VN hoàn toàn chưa có chiến tranh. Còn nếu là để cảnh báo tội ác mà trẻ em là nạn nhân thì còn sai lầm hơn nữa vì các du học sinh đến Moritzburg trong thời gian 1957 chỉ toàn là những thành phần ưu tú trong chế độ Cộng Sản được gửi đi để đào tạo thành cán bộ nòng cốt xây dựng và bảo vệ chế độ Cộng Sản VN trong tương lai.
Trước sự phản bác này Chủ Tịch Đảng CDU ở Moritzburg đã đồng tình viết bài trên trang nhà phản đối Thị Trưởng Moritzburg vói lý do ông Hồ là nhân vật đã chà đạp lên văn hóa nghệ thuật VN, một nhà độc tài hiếu chiến điển hình là vụ thảm sát Mậu Thân tại Huế.
Sự tái dựng tấm bảng đồng tại Moritzburg chẳng những có ý nghĩa tôn vinh chế độ Cộng Sản mà còn mang ám hiệu tôn thờ chủ nghĩa Cộng Sản muôn đời.
Mặc dù có thông cáo báo chi của một diễn đàn ở Đức nói rằng “dự án Moritzburg” như vậy là xong rồi nhưng nhờ sinh hoạt liên tục từ trước đến nay cũng như qua những văn thư trao đổi chúng tôi có sự nhận định khác vì thế chúng tôi và một số nhân sĩ Đức vẫn tiếp tục phản đối bằng thư tín và điện thư mà kết quả là đã có hai cuộc gặp gỡ quan trọng ngay tại thủ phủ Dresden của tiểu bang Sachsen, thảo luận với Ls Bannasch vào thượng tuần tháng November 2016 và hội luận hôm 09. Dezember với cấp lãnh đạo của Moritzburger Diakonenhaus.
Cho tôi mở ngoặc ở đây, nhắc lại chút xíu về bài viết của bà Lengsfeld được chuyển sang Việt ngữ.
Bà cựu Thượng nghị sĩ Đức Eva Lengsfeld bất bình về dự tính của TNS Lämmel và thị trưởng Hänisch nên đã viết một bài tham luận khá dài mà tôi đã chuyển ngữ , phổ biến rộng rãi mục đích thông tin cho người Việt tỵ nạn cộng sản khắp nơi nói chung được biết.
Bà Eva Lengsfeld sinh năm 1952 tại tiểu bang Thueringen (DDR cũ), bắt đầu học Đại Học năm 1970 ngành lịch sử của phong trào công nhân tại Đại học Karl Marx ở Leipzig và từ năm 1972 học Triết học tại Đại học Humboldt Berlin. Bà Eva Lengsfeld là một chính trị gia Đức, một nhà tranh đấu cho dân quyền và từng là cựu Thượng Nghị Sĩ Đức từ 1990-2005. Từ 1990-1996 cho Buendnis 90/đảng Xanh và từ 1996 cho CDU, hiện là đảng viên của CDU; đã từng sống dưới chế độ cộng sản nên sự công khai ủng hộ NVTN tại CHLB Đức của bà ta đối với chính giới Đức đóng vai trò rất quan trọng!.
Bà Lengsfeld đã gay gắt kết luận: “Nếu dự định này mà thật sự được thực hiện với nguồn tài trợ của nhà nước Việt Nam thì người ta có thể nói rằng đây là hình thức sùng kính những kẻ độc tài. Và nếu dự án này được thực hiện nhanh, thì đây sẽ là „màn“ trình diễn hoàn hảo do bộ máy tuyên truyền của nhà nước Việt Nam đưa ra. Cho tới bây giờ chưa có tiếng thét to công khai nào cả. Chỉ có một nhóm nhỏ những cựu thuyền nhân Việt Nam (Boat-People) chống lại vụ „scandal“ này.
Đây sẽ là một thử thách cho nền dân chủ của chúng ta, xem có làm nổi để ngăn chặn được dự án qua hình thức này hay không. Bởi vì điều này đi ra xa ngoài nguyện vọng đúng đắn của sự cảm thông lẫn nhau giữa hai dân tộc và hợp tác Đức-Việt.
Độc giả có thể đọc lại hay đọc (nếu chưa) bài do tôi chuyển ngữ với tiêu đề:
Trùng tu nơi tưởng niệm cho một kẻ giết người hàng loạt?
(Nguyên bản tiếng Đức Erneuerter Gedenkort für einen Massenmörder?)
theo đường Link: https://vietbao.com/a253603/la-thu-tu-duc-quoc-trung-tu-noi-tuong-niem-cho-mot-ke-giet-nguoi-hang-loat-
* Ký giả nổi tiếng của Đức, Ts Uwe-Simon Netto lên tiếng về vụ Moritzburg
Chưa hết, Ts Uwe Netto, một ký giả Đức nổi tiếng, từng là phóng viên về chiến tranh VN đồng thời là nhân chứng sống trong cuộc tấn công đẫm máu Têt Mậu Thân 1968 của Việt cộng & cs Bắc Việt cũng đã viết cho những đồng hương trách nhiệm về dự án Moritzburg.
Xin trích dẫn một đoạn mà phóng viên chiến trường Uwe-Siemon Netto là nhân chứng sống trong cuộc chiếm đóng thành phố Huế vào dịp Tết Mậu Thân 1968, đã phác hoạ một bức tranh về chính sách tàn sát của lực lượng „ Bác Hồ “:
” Khi đoàn xe nhà binh của ông Netto vào đến thành phố đã bị Việt Cộng chiếm đóng, các xe phải ngừng lại nhiều lần vì hàng trăm xác người nằm trên các con đường. Nhìn vào các vết thương người ta nhận ra rõ ràng, họ là nạn nhân của một cuộc tàn sát tập thể ngay tại chỗ; đa số là phụ nữ và thiếu nhi mặc áo lễ chuẩn bị chào đón Tết Nguyên Đán. Như ngay sau đó người ta nhận ra rằng những nạn nhân bị bắn chết còn có „phúc“, vì nhiều nạn nhân khác đã bị chôn sống. Siemon Netto đã thấy bên rìa một mồ chôn tập thể những móng tay mới sơn chồi ra khỏi mặt đất (ngưng trích) “.
Ngày 23. September 2016, Dr. Uwe-Simon-Netto (Buchautor) còn viết trên kháng thư tập thể của bà Ute Junker: ” Ich war während des Krieges über einen Zeitraum von fünf Jahren Vietnam-Korrespondent und habe die von Ho chi Minh verantworteten Verbrechen aus erster Hand miterlebt, insbesondere während der Tet-Offensive 1968 in Hue. Ihn zu ehren, ist die übelste Form von Geschichtsklitterung ” (sic) . Tạm dịch : “Tôi đã ở trong chiến tranh thời hạn năm năm là Việt Nam phóng viên và đã chứng kiến tận mắt những tội ác của Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong Tết Mậu Thân năm 1968 ở Huế. Tôn vinh “nó (từ chữ Ihn)”, là hình thức bôi bác lịch sử tồi tệ nhất !”.
(Dr. Uwe-Simon-Netto CA / USA).
Tôi nghĩ rằng những tiếng nói trên có trọng lượng nặng chắc chắn sẽ làm cho những người Đức cổ xúy cho dự án nói trên phải suy nghĩ lại.
* Cuộc gặp gỡ với Ls Bannasch tại Dresden vào tháng 11.2016 đã được nha sĩ Lê Ngọc Túy Hương tường thuật và quý độc giả có thể đọc (nếu chưa) theo đường Link:
https://vietbao.com/p112a260244/cau-chuyen-moritzburg
* * *