Home » Tin Tức » Cộng Đồng Đức » Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn gặp gỡ bà Vera Lengsfeld – Stasi-Tochter / Dissidentin / Politikerin

Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn gặp gỡ bà Vera Lengsfeld – Stasi-Tochter / Dissidentin / Politikerin

Bad Sobernheim, 19.11.2013 – Đáp lời mời của hội Konrad-Adenauer-Stiftung ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh, phó chủ tịch Liên Hội (www.lienhoinvtn.de), đến tham dự buổi thuyết trình và giới thiệu tác phẩm „Ich wollte frei sein. – Die Mauer, die Stasi, die Revolution“ của bà Vera Lengsfeld.

Vera Lengsfeld sinh năm 1952 tại Thüringen. Là con gái của một sĩ quan mật vụ (Stasi-Offizier) bà đã được giáo dục trong tinh thần của chế độ Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Thống Nhất Đức (Sozialistische Einheitspartei Deutschlands, SED-Regime). Mặc dầu vậy, bà đã sớm có những hồ nghi về thể chế này. Khi mới bước vào tuổi trưởng thành bà Vera Lengsfeld đi đến quyết định hoạt động trong phong trào đòi hỏi dân quyền. Bà đã bị cấm hành nghề, bị tù đày và bị trục xuất. Khi bức tường Berlin sụp đổ ngày 09.11.1989 bà Lengsfeld trở về quê quán và bắt đầu sự nghiệp chính trị gia và là nhà đấu tranh cho tự do và dân chủ. Càng đau khổ hơn khi bà được biết, chính chồng bà (ông Knud Wollenberger) đã làm mật vụ Stasi theo dõi bà nhiều năm.

Trong phần thuyết trình bà Vera Lengsfeld nhận định rằng, sau khi chế độ độc tài cộng sản Đông Đức sụp đổ một thời gian người ta thường xuyên loan truyền những huyền thoại để đánh bóng và giảm bớt đi phần gian ác và thâm độc của thể chế này, thí dụ như: Đảng và nhà nước SED lo cho người dân từ lúc sinh ra đến khi chết. Trong thực chất đây là „độc tài chăm sóc“ („betreute Diktatur“), vì họ kiểm soát nghiêm ngặt dân chúng bằng nhiều cơ chế mang mầu sắc đáp ứng nhu cầu của người dân từ lúc chào đời, vào vườn trẻ, nhập học, học nghề đến khi hành nghề… Nhưng để luồn lách và sống còn cũng như có cơ hội quy tụ và tâp trung xuống đường …, những thành phần đối lập đã có sáng kiến dùng chính những ngày lễ lớn của chế độ, khi có buổi mít-tinh và diễn hành, để gặp nhau trên đường phố và phổ biến trên những bích chương và biểu ngữ hiến pháp của nhà nước Đông Đức như § 27: „ Mỗi người dân Cộng Hòa Dân Chủ Đức có quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận“ hoặc là: „Tự do luôn luôn có nghĩa là tự do của những người bất đồng chính kiến“ (Rosa Luxemburg). Ngoài ra, các phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ còn quy tụ tại và chung quanh nhà thờ Nikolai (Nikolaikirche) để cầu nguyện và yểm trợ tinh thần cho nhau. Càng ngày càng đông người, từ vài trăm đến vài ngàn, từ vài chục ngàn đến mấy trăm ngàn và sau cùng là cả triệu người. Trong vòng hai tháng „bức tường ô nhục“ đã bị sức mạnh biểu tình của quần chúng đẩy sập.

Đến phần thảo luận sôi nổi bà Vera Lengsfeld đã cho các thính giả biết thêm những dữ kiện về một số tay trùm cộng tác với Stasi, điển hình như luật sư Gregor Gisy, mà sau này y đã thành công len lỏi vào được Quốc Hội Liên Bang dưới dạng đảng Die Linke để tiếp tục thi hành những thủ đoạn mị dân, tuyên truyền xuyên tạc và bóp méo lịch sử đàn áp dã man của thể chế SED. Ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh đã trình bầy với bà Vera Lengsfeld và cử tọa những ưu tư của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn tại Đức như sau: Là người tỵ nạn Công Sản Việt Nam chúng tôi hạnh phúc được Cộng Hòa Liên Bang Đức thâu nhận. Chúng tôi vui mừng được chứng kiến cuộc cách mạng không đổ máu tại Đông Đức, nhưng chúng tôi vẫn còn băn khoăn và trăn trở, vì, mặc dầu đang được sống trong một quốc gia pháp quyền, môt số đồng hương trong cộng đồng người Việt tại Đức vẫn bị thao túng bởi Cộng Sản Việt Nam một cách tinh vi bằng những hạ tầng cơ sở và cơ chế theo dõi rập theo khuông mẫu Stasi, kiểm soát, tạo áp lực, gây sợ hãi và hoang mang hoặc hăm dọa người thân còn tại Việt Nam. Bà Vera Lengsfeld cho biết chế độ SED đã cư xử tồi tệ với người Việt Nam lao động hợp tác. Chế độ cấm họ giao du với người bản xứ. Nếu họ có mối tương giao và mang thai thì họ phải phá thai hoặc phải bị trục xuất về nước. Sau khi „bức tường ô nhục“ sụp đổ người Việt lao động hợp tác bị Đảng Cộng Sản Việt Nam bỏ rơi, tòa đại sứ cũng không màng đến và xã hội Đông Đức trong giai đoạn chuyển tiếp cũng không có đủ khả năng tạo điều kiện tích cực để con người tiến thân. Bà Vera Lengsfeld cho rằng, đây là một trang sử đầy bất công, đầy đau thương và ít ai màng để ý đến… Để thật sự có một thể chế tự do, dân chủ và nhân quyền lâu dài mọi người dân cần ý thức giá trị chân chính của sự tự do là lãnh trách nhiệm của mình để xây dựng một xã hội công bằng.

Ghi chú:
Sách của Vera Lengsfeld (http://www.vera-lengsfeld.de/home.php):
„Virus der Heuchler. Innenansicht aus Stasi-Akten“ (1992)
„Von nun an ging’s bergauf. Mein Weg zur Freiheit“ (2002)
„Ich wollte frei sein. Die Mauer, die Stasi, die Revolution “ (2011)
http://www.herbig.net/gesamtverzeichnis/sachbuch/einzelansicht/product/f…