Home » Tin Tức » Cộng Đồng Đức » Ít điều căn bản về COVID-19

Ít điều căn bản về COVID-19

Ít điều căn bản về COVID-19

 

 

Dịch cúm 2019-nCoV ( COVID-19) phát xuất từ Vũ Hán vào tháng 12/2019 và đã lan tràn đến trên  80 quốc gia trên toàn thế giới . Hiện tại tất cả con số thống kê trên thế giới và dữ liệu khoa học về  bệnh nhiễm chủng loại Coronavirus mới này đang thay đổi hàng ngày. Chẳng hạn như con số người bị nhiễm vi khuẩn này ( phân biệt với danh từ Vi Khuẩn= Virus  với  Vi Trùng = Bakterien )trên toàn nước Đức vào chiều ngày 6.3.2020 là 639 người  , riêng tiểu bang Nordrhein-Westfalen có 320 người nhiễm khuẩn, và tiểu bang Sachsen-Anhalt vẫn chưa có người nhiễm khuẩn.

Dưới đây chúng tôi chỉ xin trình bày những vấn đề chính về căn bệnh này để tạo khái niệm căn bản cho người đọc .

1.-Nguyên Nhân :

Vi khuẩn gây bệnh COVID-19  thuộc nhóm Coronavirus mà một trong nhóm  Vi Khuẩn này đã gây bệnh SARS ( viết tắt của chữ Severe Acute Respiratory Syndrom ) vào những năm 2002/2003 với số người nhiễm khuẩn 8096 và tử vong 774. Vì thế mà chủng loại Coronavirus hiện tại còn có tên “Sars-CoV-2”, và trong ngôn ngữ thông thường gọi là “2019-nCoV “, danh từ “COVID-19” (COVID=Corona Virus Disease) được WHO dùng để chỉ loại bệnh viêm phổi do 2019-nCoV gây ra.

2019-nCoV là một vi khuẩn có hình cầu với đường kính 160 nm( Nanometer=một phần triệu của một millimeter ) và được truyền bá trực tiếp qua các hạt bụi nước tiết ra từ hơi thở, các cơn ho, các trận hắt hơi … từ người nhiễm khuẩn . Mỗi hơi thở ra của một người lớn chứa 1.000 đến 50.000 hạt bụi nước có đường kính khoảng  1µm( Micrometer=một phần ngàn của một millimeter ) , khi ho các hạt bụi nước văng ra to hơn 10 lần và có đường kính khoảng 10µm. Khi người nhiễm khuẩn mang khẩu trang thì lượng hạt bụi nước này nằm lại khoảng 90% trong khẩu trang.

Mới đây người ta còn tìm thấy vi khuẩn 2019-nCoV trong phân người bệnh và trên bề mặt bàn cầu tiêu trong bệnh viện.

2.-Triệu Chứng :

Người lớn thường  bị nhiễm khuẩn, trẻ em dưới 4 tuổi hầu như không bị lây nhiễm ( cơ chế vẫn chưa rõ ). Phần lớn người già và người có bệnh kinh niên như tiểu đường , bệnh phổi , bệnh tim…khi bị nhiễm khuẩn thường có diễn biến nặng và nguy hiểm đến tính mạng.

Sau thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày , hiếm khi kéo dài tới 24 ngày , người bị nhiễm khuẩn có biểu hiện nóng sốt ( hay sốt rét run ), đau họng , ho , khó thở, nhức đầu , tiêu chảy…Có một trường hợp ở Berlin người bệnh bị sốt và bị  rối loạn phương hướng ( Desorientierung ) khiến lúc đầu bị nghi là viên não.

Trong diễn tiến nặng người bệnh bị tử vong do nghẹt thở, nhiễm độc máu  hay bị hủy hoại các cơ quan nội tạng.

Tỷ lệ tử vong trên toàn thế giới vào khoảng 0,2-0,4%  ( SARS có tỷ lệ tử vong 2% ). Ngoài ra, 80% bệnh nhân nhiễm khuẩn có triệu chứng nhẹ như cảm cúm xoàng  và 15% có tiến triển nặng. Theo Robert Koch Institut tại Berlin thì các con số thống kê bên Trung Quốc không chính xác vì lẽ người bệnh chỉ trình báo khi căn bệnh đã tiến triển rõ rệt.

3.-Định Bệnh:

Để xác định bệnh người ta sẽ lấy mẫu phết trong cổ họng hay từ đàm rãi khạc ra của người nghi bị nhiễm khuẩn. Trong  phòng thí nghiệm người ta chỉ cần 3-5 tiếng đồng hồ là sẽ đưa ra kết quả ngay.

4.-Chữa Trị:

Hiện tại chưa có một loại thuốc nào diệt được vi khuẩn 2019-nCoV( hay là Sars-CoV-2). Những loại thuốc  như Ribavirin hoặc Chloroquine đang trong vòng thử nghiệm.

Bệnh nhẹ được điều trị bằng các  phương pháp bồi dưỡng thể lực để tăng sự đề kháng cơ thể, nếu nóng sốt thì dùng thuốc hạ sốt. Các biện pháp điều trị đều dựa trên triệu chứng của bệnh nhân: dùng trụ sinh  khi bệnh nhân bị nhiễm trùng thứ cấp ( Superinfektion ); truyền dung dịch khi bệnh nhân bỏ ăn, tiêu chảy; dùng máy trợ thở khi bệnh nhân khó thở…

5.-Phòng Bệnh:

Sử dụng khẩu trang để phòng bệnh là một biện pháp đang được bàn cãi. Những người bị nhiễm khuẩn thì bắt buộc phải sử dụng khẩu trang để tránh truyền vi khuẩn sang cho người khác qua hơi thở , ho và hắt  hơi…Đối với những người không bị bệnh thì việc đeo khẩu trang không bảo đảm 100% sự tránh lây khuẩn vì tay luôn sờ mó vào khẩu trang, mặt mũi… một cách vô thức không tránh được.

Tại các nơi công cộng người ta nên đứng xa nhau tối thiểu 2 mét và tránh hơi thở của người khác. Nên nhớ là khi chúng ta nói to hay réo gọi nhau thì lượng hạt bụi nước từ trong miệng cũng bị phun ra nhiều hơn. Khi ho hay hắt hơi chúng ta nên ho hay hắt hơi  vào khăn giấy , khi khăn giấy không có sẵn thì nên ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay áo ( chú ý: không dùng  tay che khi ho ).

Quan trọng nhất là vệ sinh hai tay. Cách tốt nhất vẫn là rửa tay với nước và xà bông trong vòng 20 giây . Rửa tay bằng cồn hay chất khử trùng chỉ là cách tạm thời khi phương tiện để rửa tay bằng nước và xà bông không sẵn có.

Trong một thông báo mới nhất thì người ta đã khám phá ra con vi khuẩn 2019-nCoV có thể tồn tại trên các bề mặt  kim loại, thủy tinh và plastic  … cho tới 9 ngày, tuy nhiên nếu các bề mặt này được chùi rửa bằng cồn hay thuốc khử trùng thì vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt nhanh chóng. Do đó mới đây WHO đã khuyến cáo không nên sử dụng tiền mặt khi mua bán, tốt nhất là dùng thẻ tín dụng để thanh toán Ngoài ra , tuy  người ta không tìm thấy vi khuẩn 2019-nCoV trong không khí phòng bệnh  nhưng trên lưới cửa sổ phòng bệnh thì lại đầy 2019-nCoV.

Đặc biệt là phải tránh bắt tay chào hỏi , tránh chạm tay vào tay nắm  cửa ra vào nơi công cộng, nên dùng cùi chỏ tay hay chân để mở cửa…

Tai các phi trường Đức Quốc chỉ có các chuyến bay từ vùng dịch như từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran , Ý thì các hành khách phải khai báo nơi trú ngụ tại Đức để giới chức trách có thể liên lạc trong vòng 30 ngày sau khi khách nhập vào nước Đức. Hãng máy bay đưa khách đến từ các vùng dịch cũng phải có cơ chế ghi lại trong mỗi chuyến bay hành khách nào ngồi ở đâu để phòng khi phát hiện ra người nhiễm vi khuẩn thì có thể tìm ra ngay ai là người ngồi bên cạnh hầu có biện pháp kiểm dịch. Ông Jens Spahn, Bộ Trưởng Bộ Y Tế Đức ,  đánh giá việc đo thân nhiệt tai phi trường, như tại các phi trường Á Châu đang áp dụng, là không hữu hiệu để ngăn chận việc lây nhiễm vi khuẩn.

Có người hy vọng là khi vào mùa hè thì bệnh cảm cúm giảm đi và sự lây lan 2019-nCoV cũng yếu bớt. Tuy nhiên sự lây lan vi khuẩn này tại Úc hiện nay là điều chứng minh ngược lai vì tại Úc là đang còn mùa hè.

Thuốc chủng ngừa vi khuẩn 2019-nCoV hiện đang được  Đức Quốc , USA ,  China … và các quốc gia trên thế giới ráo riết nghiên cứu. Hôm nay ngày 6.3.2020 có một người đàn ông 54 tuổi tại Trung Quốc được chủng ngừa đầu tiên. Các cơ quan y tế tại Đức Quốc tuyên bố thuốc chủng ngừa vi khuẩn này chỉ có thể ra đời vào cuối năm 2020.

6.-Tóm lại :

So với những trường hợp tử vong do cúm Influenza trong mùa Đông năm nay  (46.000 người chết / 45 triệu người nhiễm vi khuẩn Influenza  tại USA và  riêng tại Berlin 42 người chết / 21.000 người nhiễm khuẩn Influenza) thì với con số nhiễm vi khuẩn 2019-nCoV trên toàn cầu là hơn 100.000 người và tử vong toàn thế giới  là 3.300 người ( tính đến 6.3.2020:  riêng Trung Quốc có 80.500 người bị bệnh COVID19 với số tử vong trên 3 ngàn người , Đức Quốc chưa có trường hợp tử vong  )  đưa chúng ta đến kết luận:

-Mặc dù tốc độ lây lan khá nhanh nhưng vi khuẩn 2019-nCoV cho đến bây giờ chỉ nguy hiểm đối với những người già và có bệnh kinh niên. Đa số người nhiễm khuẩn ( 80%) không phát bệnh hay chỉ bị cảm cúm xoàng và được cách ly tại nhà.

-Tuy nhiên không ai đoán trước được dịch bệnh này sẽ phát triển thành Đại Dịch trên toàn thế giới ( Pandemie ) hay không. Thế nên mọi biện pháp chống dịch phải được áp dụng triệt để ngay từ bây giờ trước khi quá muộn.

Berlin ngày 06.03.2020

BS Hoàng Thị Mỹ Lâm

Số ca liên quan đến nCoV trên Thế giới vào ngày 6.3.2020
 
  Nhiễm Tử vong
Trung Quốc 80.559 3.042
Hàn Quốc 6.593 42
Iran 4.747 124
Italy 3.858 148
Diamond Princess 696 6
Đức 577  
Pháp 423 7
Tây Ban Nha 382 5
Nhật Bản 381 6
USA 233 14
Switzerland 138 1
Singapore 130  
Netherlands 128 1
UK 116 1
Belgium 109  
Norway 106  
Hong Kong 105 2
Thụy Điển 101  
Malaysia 83  
Australia 60 2
Kuwait 58  
Bahrain 55  
Canada 48  
Thái Lan 47 1
Austria 47  
Greece 45  
Đài Loan 44 1
Iraq 40 3
Iceland 37  
Ấn Độ 31  
UAE 28  
San Marino 23 1
Denmark 23  
Algeria 17  
Israel 17  
Lebanon 16  
Oman 16  
Việt Nam 16  
Egypt 15  
Phần Lan 15  
Ecuador 13  
Ireland 13  
Czechia 12  
Macau 10  
Croatia 10  
Estonia 10  
Brazil 9  
Georgia 9  
Portugal 9  
Qatar 8  
Romania 8  
Palestine 7  
Azerbaijan 6  
Belarus 6  
Mexico 6  
Pakistan 6  
Slovenia 6  
Philippines 5 1
Saudi Arabia 5  
Indonesia 4  
New Zealand 4  
Nga 4  
Senegal 4  
Chile 4  
Hungary 4  
Luxembourg 2  
Morocco 2  
Argentina 2  
Bosnia and Herzegovina 2  
Afghanistan 1  
Andorra 1  
Armenia 1  
Campuchia 1  
Dominican Republic 1  
Jordan 1  
Latvia 1  
Lithuania 1  
North Macedonia 1  
Monaco 1  
Nepal 1  
Nigeria 1  
Sri Lanka 1  
Tunisia 1  
Ukraine 1  
Bhutan 1  
Cameroon 1  
Costa Rica 1  
Gibraltar 1  
Holy See 1  
Liechtenstein 1  
Peru 1  
Poland 1  
Serbia 1  
Slovakia 1  
South Africa 1