Trần Văn Tích
Năm nay tại Cộng hoà Liên bang Đức Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam được chính thức tổ chức ở thủ đô Berlin và gồm hai phần sinh hoạt riêng biệt : Biểu tình trước Đại sứ quán Việt cộng tại Berlin-Treptow và Hội thảo Chính trị Văn nghệ Đấu tranh tại Berlin-Wedding. Địa điểm hội thảo là Hội trường Thánh đường St. Aloysius, Schwyzerstr. 2, 13349 Berlin.
Biểu tình tuần hành là một hình thức đấu tranh chính trị rất quen thuộc của cộng đồng người Việt tỵ nạn trên khắp thế giới. Tham gia biểu tình tuần hành nhân Ngày Quốc Hận, Ngày Nhân Quyền đã trở thành một bổn phận đương nhiên của tất cả những người Việt Nam tỵ nạn cộng sản còn một chút lòng nghĩ đến Quê hương.
Nhằm tạo một không khí sinh hoạt mới mẻ và nhằm thực hiện một hình thức hợp đồng hành động sáng tạo, năm nay, nhân Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam vào thứ bảy 07.12 tại thủ đô Berlin, Liên Hội Người Việt Tỵ nạn Cộng sản tại Cộng hoà Liên bang Đức đưa ra một phương sách mới : thiết lập thế liên kết chẳng những giữa các Hội đoàn, Đảng phái, Tập thể, Câu lạc bộ người Việt nam với nhau mà còn tiến xa hơn qua cố gắng xây dựng mối giao thiệp hữu hão với Chính quyền Liên Bang Đức cùng với các tổ chức thuộc chủng tộc Nhật Nhĩ Man có chung mục tiêu hành động chống độc tài cộng sản và bảo vệ quyền con người. Cho nên Đêm Hội thảo Văn nghệ Đấu tranh tại Hội trường Thánh đuờng St. Aloysius gồm hai phần hoàn toàn riêng biệt : phần đấu tranh chính trị với sự tham gia của quan khách Đức và phần ca nhạc văn nghệ hoàn toàn thuần túy Việt nam. Phần thứ hai chỉ tiến hành sau khi khán thính giả đồng hương đã xúc tiến thủ tục đưa tiễn khách Đức ra về với lời ước hẹn quen thuộc mong ngày tái ngộ Auf Wiedersehen.
Ngay lễ khai mạc đã mang tính cách biểu tượng cho mô hình kết hợp Việt-Đức. Thông thường trong các buổi sinh hoạt chính trị của đồng hương tỵ nạn chỉ có chào quốc kỳ và cử quốc ca Việt Nam Cộng Hoà. Lần này trên sân khấu bố trí hai giàn cờ cả Việt lẫn Đức. Theo lễ nghi trọng thể, cả hai bài hát chính thức của hai nước đều được lần lượt cử hành. Đồng bào đã cùng quan khách Đức tham gia hát quốc ca Đức theo nhạc điệu phát thanh qua máy và dựa vào lời ca chiếu trên màn ảnh.
Tiếp theo lời chào của Ban Tổ chức bằng hai ngôn ngữ Việt-Đức và sau tiết mục liên tôn cầu nguyện Phật giáo và Thiên chúa giáo, Lời Chào Mừng của bà Bộ trưởng tại Phủ Thủ tướng Đặc trách Di dân, Tỵ nạn và Hội nhập, Giáo sư Tiến sĩ Maria Böhmer, xuất hiện trên màn ảnh cùng lúc với lời tuyên đọc bản dịch sang Việt ngữ do anh Phạm Công Hoàng phụ trách. Không phải buổi sinh hoạt nào của người tỵ nạn Việt Nam cũng có tiết mục liên kết Việt-Đức này.
Chấp bút và khai bút chào mừng đồng hươngViệt Nam, Bà Bộ trưởng viết : “der Bundesverband der vietnamesischen Flüchtlinge in der Bundesrepublik Deutschland e.V. leistet als Brückenbauer einen wichtigen Beitrag zur Integration der Vietnamesinnen und Vietnamesen in Deutschland.“ (Liên Hội Người Việt Tỵ nạn tại Cộng hoà Liên bang Đức, qua vai trò bắc cầu, góp phần quan trọng vào tiến trình hội nhập của người Việt nam nam và nữ tại Đức quốc). Rồi Bà tuyên dương thành tích học tập của thế hệ trẻ Việt Nam trong môi trường giáo dục đào tạo Đức, nó là một tấm gương sáng có giá trị. (Der überdurchschnittliche Bildungserfolg der jungen Generation zeigt die außerordentliche Leistungsbereitschaft der vietnamesischen Familien. Damit nehmen sie eine wichtige Vorbildfunktion ein). Nói tóm lại, thay mặt chính quyền trung ương Liên bang, Bà Bộ trưởng công khai và chính thức xác nhận sự hiện hữu và tính chức năng của Liên Hội Người Việt Tỵ nạn trong cộng đồng ly hương Việt Nam và trong xã hội đa chủng Đức quốc1.
Lần đầu tiên, Liên Hội sát cánh hành động chống cộng sản, bảo vệ nhân quyền trên cùng một bình diện hợp tác với người Đức. Khách mời danh dự đêm thứ bảy 07.12 gồm hai vợ chồng ông bà Goßler thuộc UOKG và Tiến sĩ Josef Bordat, một blogger độc lập cư trú tại Berlin. Bà Anita Goßler là thành viên Ban Chấp hành UOKG, Đặc trách Khu vực Thủ đô Berlin. Thực ra theo dự trù sẽ có sự hiện diện của Luật sư Florian Kresse, chuyên viên cố vấn pháp luật của UOKG, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành UOKG, đại diện ông Rainer Wagner, Chủ tịch Ban Chấp hành. Ngoài ra Bà Sybille Ploog, Phụ trách Toà soạn tờ chuyên san của UOKG, cũng đã hứa sẽ có mặt tại buổi Hội thảo. Rất tiếc vào giờ chót vì những lý do bất khả kháng thuộc lĩnh vực y khoa, cả Luật sư Kresse lẫn Bà Ploog cùng cáo lỗi không đến được.
UOKG (Union der Opferverbände kommunistischer Gewaltherrschaft, Liên minh các Hiệp hội Nạn nhân của Chuyên chính Cộng sản) là một tổ chức được thành lập năm 1992 và đặt cơ quan trong trụ sở của tập đoàn Mật vụ Stasi Đông Đức cũ, tại Berlin-Lichtenberg. Mục đích chính của UOKG là đấu tranh để những nỗi đau khổ do chế độ vô sản chuyên chính gây ra không bị lãng quên. Nhằm đạt mục đích này, UOKG tổ chức những buổi sinh hoạt trong quần chúng và nơi học đường với các chứng nhân thời đại. Trên bình diện quốc tế, UOKG cũng trao đổi kinh nghiệm rất mật thiết với các Hiệp hội Nạn nhân Cộng sản thuộc các quốc gia Đông Âu. Lần đầu tiên từ ngày thành lập, UOKG cộng tác với một Hội đoàn Nạn nhân Cộng sản không thuộc Âu châu, đó là Liên hội Người Việt Tỵ nạn tại Cộng hoà Liên bang Đức. Liên hội đang cùng UOKG thực hiện chung một số dự án. Theo chiều hướng cộng tác này và một tuần lễ trước đó, vào ngày thứ bảy 30.11.2013, Ban Chấp hành Liên hội vì không thu xếp được chương trình làm việc nên đã đề cử ba hội viên tích cực là Nguyễn Ngọc Hùng, Hoàng Kim Thiên và Nguyễn Đình Tùng cùng tham gia Đại Hội đồng Thường niên của UOKG tại Berlin.
Ngoài ra, qua tờ chuyên san Der Stacheldraht (Dây kẽm gai) xuất bản định kỳ tại Berlin, UOKG đăng tải bài viết của Chủ tịch Ban Chấp hành Liên hội Người Việt Tỵ nạn tại CHLB Đức trên số tháng tám năm 2013, tại hai trang 8 và 9, dưới nhan đề Verschleierte Enteignung, Währungswechsel unter kommunistischer Herrschaft in Vietnam (Cướp đoạt trá hình, Đổi tiền ở Việt nam duới quyền thống trị cộng sản). Nội dung của bản văn chính luận trình bày tổng quát các tội ác của chủ nghĩa xã hội trên mảnh đất chữ S vốn đã được nhân loại biết đến rõ ràng : đàn áp và chia rẽ tôn giáo, tù đày quân cán chính Việt Nam Cộng Hoà, xua đuổi người dân đi kinh tế mới v.v.. Kết quả là cả mấy triệu người Việt vì tuyệt vọng đã phải vượt biển vượt biên, trong số này riêng chiếc tàu Cap Anamur đã cứu vớt trên mười một ngàn người. Tuy nhiên đề tài chính với nội dung riêng của tài liệu nhằm mô tả bốn lần đổi tiền kể từ năm 1975 : lần thứ nhất ngày 22.09.1975 phát hành “tiền giải phóng“, lần thứ hai ngày 02.05.1978 phát hành “tiền thống nhất“, lần thứ ba vào tháng chín 1985 để chống tiền tệ mất giá và lần thứ tư vào năm 2003 nhân dịp phát hành tiền giấy polyme. Chế độ cộng sản đổi tiền trong thực chất chỉ là cướp cạn tài sản của dân chúng nên chúng luôn luôn tiến hành một cách đột ngột, không hề thông báo trước; đồng thời số tiền được đổi cũng hết sức hạn chế, chẳng hạn lần đổi tiền thứ nhất, mỗi gia đình chỉ được đổi hai trăm đồng tiền mới. Kế hoạch thâm độc này khiến vô số người một sáng một chiều mất hết tài sản của cải nên nhiều người có máu mặt đã tự tử. Dẫu vận dụng cung cách ma giáo lưu manh nhưng cộng sản vẫn không thể nào ngăn chặn được lạm phát phi mã. Theo thời giá hiện tại, tỷ giá một Âu kim đối với đồng tiền Việt nam vào khoảng 30.000 đồng. Năm 1957 dưới chính quyền quốc gia, một Mỹ kim đổi được 100 đồng Việt Nam Cộng Hoà. Minh hoạ cho bài viết Đức ngữ là bản chụp nguyên dạng “Giấy ra trại“ cấp cho “tên sĩ quan ngụy phản động“ Trần Văn Tích kèm theo lời giải thích nội dung. Ấn bản kỳ tới của tờ Stacheldraht sẽ đăng bài viết của tác giả Phạm Trương Long ở Frankfurt dịch một bài viết về nhân vật đối kháng quốc nội Hoàng Ngọc Tuấn.
Tiến sĩ Josef Bordat dự định đến tham gia Hội thảo Việt-Đức cùng với phu nhân nhưng vào giờ chót Bà Bordat cũng bị trở ngại ngoài ý muốn nên đành thoái thác xin lỗi khiếm diện. Tiến sĩ Bordat đã đơn thân độc mã thu thập trên hai ngàn chữ ký để gửi cho ông Markus Löning, Giới chức Đặc trách Nhân quyền của Chính phủ Liên bang Đức với nội dung chủ yếu yêu cầu chính quyền Đức sử dụng quan hệ ngoại giao liên quốc nhằm bênh vực, che chở và giúp đỡ, động viên các bloggers Việt Nam tại quốc nội. Theo luật pháp Đức, nếu có một thỉnh nguyện thư do công dân đề bạt qui tụ được trên hai ngàn chữ ký thì chính quyền bắt buộc phải cứu xét. Rất tiếc ông Markus Löning, người phụ trách tiếp nhận và nghiên cứu thỉnh nguyện thư vốn thuộc đảng FDP mà đảng này lại vừa thất cử trong kỳ bầu cử tháng chín vừa qua nên đảng viên không còn tư cách tham gia chính phủ. Tuy nhiên Tiến sĩ Bordat hứa sẽ bắt đầu trở lại từ bước xuất phát và tất nhiên Ông đã nhân cơ hội tiếp xúc cùng đồng bào Việt Nam để kêu gọi chuẩn bị ký tên nay mai, khi chính phụ liên hiệp mới chính thức nhậm chức.
Đồng bào tham dự Đêm Hội thảo đã rất tích cực đóng góp ý kiến, nhất là nữ giới, do tấc lòng đồng cảm tự nhiên giữa những người mẹ vì bà Goßler từng bị tù năm năm dưới chế độ cộng sản Đông Đức và bà đã mất người con trai bị cơ quan Mật vụ Đông Đức cướp đoạt khi bà hai mươi tuổi, sau đó chúng biến anh ta thành một thanh niên cộng sản cuồng tín. Hai ông bà quen nhau sau khi bà ra tù rồi cùng nhau vượt biên.
Quí bà Phương thị Phi Nga thuộc Hội Phụ nữ Văn hoá Việt Nam tại Đức quốc, bà Nguyễn thị Khiếu đảng viên Việt Tân, ông Đào Văn Bất thuộc Hội Người Việt Tỵ nạn tại Köln và một số người khác đã lần lượt nêu câu hỏi cũng như góp ý. Tổng kết cụ thể của toàn quá trình đối thoại là phía Đức sẽ vận dụng phương tiện truyền thông và ưu thế pháp lý để thường xuyên liên tục tố cáo các vi phạm nhân quyền của người cộng sản Việt Nam; trong khi đồng hương chúng ta sẽ cộng tác mật thiết và hữu hiệu với UOKG và Tiến sĩ Bordat trong lĩnh vực đấu tranh đòi hỏi bạo quyền độc tài đảng trị tôn trọng các qui ước về quyền cơ bản của con người; ví dụ qua cung cấp các tin tức thời sự xảy ra tại quốc nội.
Trong lúc cử tọa đang đặt câu hỏi cho các quan khách Đức thì anh Ngô Trí Dũng đã nối mạng được với Luật sư Nguyễn Văn Đài để Luật sư Đài có thể trực tiếp trò chuyện cùng Tiến sĩ Bordat và bà Goßler qua sự thông dịch trực tiếp của hai anh Nguyễn Đình Tùng ở Berlin và Nguyễn Ngọc Trinh ở München. Luật sư Đài kể về buổi gặp gỡ với đại diện các tòa đại sứ Đức, Thụy Điển cùng các blogger Việt Nam khác tại Hà Nội dù bị công an liên tục sách nhiễu, cản trở, có lúc chúng bắt người chủ một tiệm ăn phải đóng cửa nhằm ngăn cản không cho cuộc gặp gỡ thành hình. Luật sư Nguyễn Văn Đài đã lên tiếng mong mỏi được sự hỗ trợ từ phía những người Đức yêu chuộng tự do và ước ao sẽ có cơ hội trở lại viếng thăm nước Đức một khi Việt Nam hết cộng sản2. [Luật sư Đài nguyên là “du sinh“ tại Cộng hoà Dân chủ Đức (Đông Đức cũ)].
Sau khi tiễn chân quan khách Đức, Luật sư Lê Thị Công Nhân cũng được nối mạng để trình bày về suy tư của mình trong ngày quốc tế nhân quyền năm nay. Cô được dành cho khoảng mười phút; cô là nạn nhân “nóng hổi“ của sự vi phạm nhân quyền thô bạo vì trong tháng mười một vừa qua, công an đã bắt giữ và hành hung cô.
Chủ đích của tiết mục nối mạng trực tiếp với quốc nội là để cụ thể nói lên phần nào sự quan tâm của quốc ngoại đối với các thành phần đấu tranh trong nước, để bày tỏ lòng lân tuất đối với các anh chị em, đồng thời để biểu thị tinh thần liên đới trách nhiệm trong công cuộc đấu tranh chung theo phương châm đồng bào đang được sống tự do luôn luôn sẵn sàng dốc lòng yểm trợ đồng bào đang mất tự do. Kế hoạch này là một hành động của người Việt hải ngoại nhằm chủ động, tích cực động viên, khuyến khích giới trẻ đấu tranh cho tự do qua tạo lập mối liên hệ giao thiệp cụ thể; thay vì chỉ hô hào, hứa hẹn bằng lời nói. Người trong nước được người ngoài nước mời gọi lên tiếng qua không gian liên lục địa.
Khi đồng ý để anh Ngô Trí Dũng thực hiện tiết mục nối mạng trực tiếp, đã có trù hoạch dự án một cách chu đáo nhằm tránh phản tác dụng vì có thể vô hình trung khiến người Đức nghĩ rằng các thành phần tranh đấu quốc nội không gặp khó khăn gì khi liên lạc với cộng đồng tỵ nạn quốc ngoại. Vì vậy quí khách người Đức đã được giải thích cặn kẽ, chi tiết rằng những cá nhân đang sinh sống ở Việt Nam sắp tham gia chương trình nối mạng là những thành viên quả cảm của phong trào chống đối; họ từng ra vào các trụ sở công an mật vụ như đi chợ, họ từng lãnh án tù đày, họ từng bị khủng bố đàn áp, họ từng bị hành hung có khi đến trọng thương nhưng họ sẵn sàng chấp nhận mọi gian nguy, nghịch cảnh xảy đến cho họ. Dùng kỹ thuật tin học liên lục địa là một đường vòng để giúp họ có dịp trao gửi tới khán thính giả đang sống tự do những tâm tư, tình cảm, đề nghị, yêu cầu của họ, qua mặt bộ máy công an mật vụ cộng sản. Mười giờ đêm Berlin là bốn giờ sáng Sàigòn-Hànội, mạng lưới an ninh chỉ điểm kiểu Stasi của Việt cộng có thể gặp bất ngờ không kịp ứng phó. Trong thực tế, phần thu tiếng và phát tiếng giữa Luật sư Lê thị Công Nhân và tập thể đồng hương ngồi nghe chật hội trường Thánh đường St. Aloysius đã không hoàn toàn suôn sẻ, âm thanh không thực rõ ràng. Anh Ngô Trí Dũng ước đoán có lẽ công an đã phá sóng.
Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam vào thứ bảy 07.12.2013 tại Berlin xem như đã khai thác một hình thức đấu tranh mới tạo mối liên kết giữa người tỵ nạn Việt Nam với những thành phần chống cộng người Đức. Bên cạnh biểu tình tuần hành, văn nghệ chính trị là hai phương thức sinh hoạt hết sức quen thuộc, cung cách hợp tác Việt-Đức tạo thế liên hoàn hỗ tương nhằm đóng góp thêm vào tiến trình giải thể đảng cộng sản, thanh toán xã hội chủ nghĩa mà dân tộc Đức đã hoàn tất một cách hữu hiệu và vinh quang.
1Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2012-2014 của Liên hội Người Việt Tỵ nạn tại CHLB Đức được các Hội đoàn và Tổ chức Đấu tranh địa phương bầu cử vào ngày thứ bảy 28.04.2012. Trước đó không lâu, vào ngày Hội nhập Toàn Liên bang do Phủ Thủ tướng CHLB Đức triệu tập, cơ cấu người Việt được mời tham gia là Hội Diên Hồng, do ông Nguyễn Duy Long đại diện, tổ chức này có trụ sở ở…Rostock trên vùng lãnh thổ Đông Đức cũ!
2Đoạn văn này được tôi chép lại theo phóng viên Văn Ngọc trên Thông Tin Đức Quốc ngày 10.12.2013.