Home » Văn Hoá Khoa Hoc Xã Hội » Đức Giám Mục phụ tá Rainer Klug dâng Thánh Lễ Tạ Ơn và chia tay Đức Ông TS Antôn Huỳnh Văn Lộ

Đức Giám Mục phụ tá Rainer Klug dâng Thánh Lễ Tạ Ơn và chia tay Đức Ông TS Antôn Huỳnh Văn Lộ

Thứ năm 26.12.2013, 2. Weihnachtsfeiertag, Karlsruhe-Neureut

Từ khắp mọi miền thuộc tổng giáo phận (TGP) Freiburg, các giáo phận Limburg, Mainz, Speyer và Fulda hàng mấy trăm giáo dân, từ các em bé vài tháng tuổi đến những cụ già gần 90,đã cùng về giáo xứ Heinrich und Kunigunde / Karlsruhe-Neureut nhân ngày thứ hai lễ Giáng-Sinh để tham dự thánh lễ tạ ơn và chia tay Đức Ông TS Antôn Huỳnh Văn Lộ, do Đức Giám Mục phụ tá TGP Freiburg Rainer Klug chủ sự chung với các linh mục Giuse Nguyễn Trung Điểm (Braunschweig), Đức Ông Antôn TS Huỳnh Văn Lộ, Lm Đaminh Trần Mạnh Nam, SDB (Bonn, vị tuyên úy kế vị vùng trung nam Đức từ 01.01.2014) và Lm Phanxicô Trần Công Phán, SDB (đương trách nhiệm truyền giáo tại Papua-Neuguinea).

Hôm nay cũng là ngày kính thánh Stêphanô tử đạo tiên khởi và là ngày giáo hội hoàn-vũ cầu-nguyện cho các giáo hội Ki-tô bị bách hại. Đặc biệt hôm nay chính Đức Thánh Cha Franziskus tại Roma sẽ dâng lời cầu nguyện trên. Trong bầu không khí tưng bừng mừng lễ Giáng Trần của con Chúa Trời và trong tâm tình biết ơn, rất đông các em giúp lễ cùng Ca Đoàn Tổng Hợp (CĐ TH) với anh nhạc trưởng Gia-Bảo đã dùng lời ca tiếng hát nhịp nhàng, uy linh vừa nét tân nhạc cũng như dân ca, mang lại cho các tín hữu từ đầu đến cuối những giây phút tràn đầy thánh thiện và ân sủng. Được biết CĐ TH gồm có CĐ Ave Maria / Frankfurt, CĐ Sêraphim / Mannheim, CĐ Wiesbaden và CĐ Haiger, cùng với sự hợp tác của Thanh-Tú (dương cầm), nữ sinh viên y khoa Uyên-Thao (Klarinette) và cháu Long-Quân (Querflöte).

Trong phần phụng vụ Lời Chúa chị Kim-Thủy và anh Thanh-Nhàn đã đọc bài thánh thư Đức ngữ và Việt ngữ trích từ sách Tông-Đồ Công-Vụ của tác giả là thánh sử Luca. Ngài đã thuật lại cảnh thánh Stêphanô được „đầy ân sủng và sức mạnh, làm nên những điều kỳ-diệu và những phép lạ cả thể trong dân.“ Đến phần Phúc-Âm Lm Đaminh Trần Mạnh Nam xướng lên Tin-Mừng theo thánh Matthêô, đoạn Chúa Giêsu nói cùng các Tông-đồ: „Chúng con hãy coi chừng người đời; họ sẽ nộp chúng con cho công nghị, họ sẽ đánh đòn chúng con nơi hội-đường. Vì Thầy, chúng con sẽ bị điệu đến trước vua quan để làm chứng trước mặt họ và các dân. Nhưng khi người ta nộp chúng con, chúng con chớ lo lắng phải nói sao và nói gì, vì không phải chúng con nói, nhưng là Thánh Thần của Chúa Cha chúng con sẽ nói thay cho.“

Kế đến Đức Giám Mục phó (ĐGM) Rainer Klug đã chia xẻ Lời Chúa rất chân tình và sâu sắc với các tín hữu. Ngài mở đầu bằng nhận định: Ý nghĩa sâu xa của mầu-nhiệm „từ máng cỏ đến thập-giá“ („von der Krippe bis zum Kreuz“) là „cứu độ thoát khỏi mãnh lực của sự chết“. Thánh Stêphanô tử đạo tiên khởi ỵêu Chúa hơn cả mạng sống mình nên đã trở thành nhân chứng của tình yêu, và từ đó Đức Tin Ki-tô-giáo trở nên như là một thách thức đối với các nhà cầm quyền và các thể chế độc tài đàn áp người dân. Hôm nay giáo hội trên toàn cầu tưởng nhớ và cầu nguyện cho những Ki-t ô-h ữu đang bị bách hại tại các quốc gia thí dụ như Ägypten, Indonesien, Irak, Nigeria, Nordkorea, Pakistan, Saudi-Arabien, v.v. (xin xem thêm http://www.kirche-in-not.de/?s=vietnam&x=0&y=0 ) Nhưng nghịch lý của Thiên Chúa là: Càng đàn áp thì giáo hội Ki-t ô lại càng triển nở. ĐGM phụ tá Rainer Klug nói tiếp: Nhiều người trong anh chị em đã trải qua những hoàn cảnh sống này. Bị hạch sách, bị làm khó dễ, bị thiệt thòi, bị tù đày … Tất cả những sự kiện trên đã đi vào ký ức của gia đình và dân tộc người Việt Nam. Anh chị em hãy giữ nó sống động mãi, vì nó thuộc về căn tính của tín đồ Việt Nam. Và anh chị em hãy kính trọng các vị thánh tử vì đạo Việt Nam, điển hình là Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Vì lịch sử khổ đau này mà anh chị em là những thành phần được ơn kêu gọi sống noi theo gương các vị tiền nhân.

Với tất cả tấm lòng ưu ái Đức Gíám Mục phụ tá ngỏ lời cùng Đức Ông: Cha cũng đã gánh phần đau khổ của dân tộc Việt Nam, vì sau biến cố năm 1975 Cha không về lại Việt Nam được, nhưng đó là điều may mắn cho những người Việt tỵ nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức đã được Cha chăm sóc về mặt tinh thần trong suốt mấy thập niên qua. Là người mục tử Cha luôn gần gũi với đàn chiên, luôn tận tụy và sống gương mẫu. ĐGM phó cũng chuyển lời cảm ơn của Đức Tổng Giám Mục Dr. Robert Zollitsch đến Đức Ông.

Đức Cha Zollitsch nhắc lại những thành quả mục vụ của Đức Ông Antôn. Kể từ 1976 Đức Ông nhận trách nhiệm làm Cha phó một giáo xứ trong TGP Freiburg. 1979 – 1980 bên cạnh mục vụ trong giáo xứ Đức, mục vụ cho người Công Giáo Việt Nam trong các trại tỵ nạn như ở Weil, Sigmaringen-Laiz, Lebach/Saar và tu viện St. Dominikus ở Speyer. Từ tháng 8.1981 được giao phó trách nhiệm mục vụ cho người Công GiáoViệt Nam trong các giáo phận Freiburg, Trier (cho đến tháng 7/1988), Speyer, Limburg và Mainz đến hết ngày 31.12.2013.
Sách „Phụng Ca“ đầu tiên phát hành đầu năm 1981, báo Dân Chúa Âu Châu (1982) do sáng kiến và công sức của Cha Antôn Huỳnh Văn Lộ đã được ra đời.
Tổ chức tĩnh tâm họp mặt cho giới trẻ, cho giới trưởng thành, đặc biệt là lần tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Việt Nam tại Đức vào năm 1995, có khoảng 500 người trẻ tham dự và thuyết trình viên là cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Ngoài ra Đức Ông Antôn còn tổ chức hành hương và góp phần rất lớn cho Đại Hội Công Giáo Việt Nam tại Đức.
Đức Cha gửi lời cảm ơn đến mọi Cộng Tác Viên của Đức Ông trong các sinh hoạt Cộng Đoàn, sinh hoạt Mục Vụ, đặc biệt là chị Nguyễn Thị Tuyết Mai.

Trước khi kết lễ anh KS Hồ Hoàng Tinô, chủ tịch CĐCG Mannheim và vpc, đã đại diện các vùng long trọng cám ơn Đức Ông và Đức Giám Mục phụ tá bằng song ngữ.

Vì số người tham dự quá đông nên sau thánh lễ Đức Ông Antôn mời mọi người qua hội trường lớn hơn ở giáo xứ St. Thadäus, nơi hai MC Tú Uyên và Hồng Phúc đã điều hợp buổi sinh hoạt rất duyên dáng. Rất đông anh chị em và các bác đã tình nguyện làm việc từ mấy ngày trước để chuẩn bị phòng ốc, bàn ghế, sân khấu với bức phông điêu luyện và đầy tình nghĩa của họa sĩ Lâm Thanh Thủy (Wiesbaden), văn nghệ, thức ăn, nước uống chu đáo cho mấy trăm người. Thật là những đóng góp âm thầm rất đáng ngợi khen! Được biết ban ẩm thực liên kết gồm có những anh chị em thuộc các CĐ Frankfurt, Haiger và Wiesbaden như Tuyết-Mai, Hợp, Ngọc-Anh, Thành, Ly-Mai, Sương, Bình, Phúc, Hân, Lý, Hương, Ngọc-Hà, Anh Tường, Chị Oanh và các cháu cùng các bác và anh chị em khác.

Để kết thúc bài tường thuật xin mượn lời của Đức Tổng Giám Mục, TS Robert Zollitsch gửi đến Đức Ông TS Antôn Huỳnh Văn Lộ: „ Die Gnade unseres Herrn Jesus Christus, die Liebe Gottes des Vaters und die Gemeinschaft des Heiligen Geistes sei mit euch.“ (Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu và tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em).

Minh Hoài