Home » Văn Hoá Khoa Hoc Xã Hội » ĐAU, KHÓ CHỊU VÙNG BỤNG TRÊN

ĐAU, KHÓ CHỊU VÙNG BỤNG TRÊN

(Dyspepsia)
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức

Rất nhiều người chúng ta hay có triệu chứng tại vùng bụng trên rốn: đau, khó chịu, đầy hơi sau khi ăn, ăn chút đã mau no. Theo một tài liệu, tính ra, đến 25% (cứ 4 người, có 1 người) số người ở Mỹ đau khổ vì những triệu chứng này. Hội chuyên khoa đường tiêu hóa Hoa-kỳ (American Gastroenterological Association) dùng từ “dyspepsia” để gọi chung những trường hợp bệnh có các triệu chứng này, kinh niên hoặc tái phát (chronic or recurrent), khi ta chưa rõ nguyên nhân.

Đau, khó chịu vùng bụng trên, hoặc đầy hơi sau khi ăn, ăn chút đã mau no gây do nhiều nguyên nhân lắm:
– Do dùng các thuốc Aspirine, thuốc đau nhức “chống viêm không có chất steroid” (Advil, Motrin, Aleve, Naprosyn, …), thuốc có chất steroid như Prednisone.
– Bệnh của thực quản: như bệnh dội ngược bao tử-thực quản.
– Bệnh bao tử: loét bao tử, ung thư bao tử, bệnh không loét mà đau, …
– Bệnh tá tràng: loét tá tràng.
– Bệnh gan, túi mật: viêm gan, ung thư gan, sạn túi mật, …
– Bệnh tuyến tụy tạng (pancreas, một cơ quan nằm ở bụng trên, ngay sau bao tử): suy tụy tạng, ung thư tụy tạng, …

Song đến 60% (hơn một nửa) những trường hợp đau hoặc khó chịu vùng bụng trên kinh niên hoặc tái phát, cứ làm phiền nhiều người chúng ta hoài mà không do một nguyên nhân nào rõ rệt. Các bác sĩ bảođây là cái đau “cơ năng” (functional dyspepsia), không do một nguyên nhân nào rõ rệt, hoặc nguyên nhân chưa thể tìm ra, với những phương pháp trắc nghiệm y khoa chúng ta hiện đang có [tựa như chứng nhức đầu căng thẳng (tension headache), tuy phim chụp bình thường, song cứ khiến ta đau tớiđau lui].

Bệnh dội ngược bao tử-thực quản

Dội ngược bao tử-thực quản (gastro-esophageal reflux) là một bệnh rất hay xảy ra.

Thức ăn sau khi được nhai nát trong miệng, được đẩy vào cổ họng, và xuống thực quản (esophagus) khi ta nuốt. Thực quản dẫn thức ăn xuống bao tử. Giá thức ăn cứ ở yên trong bao tử, chờ bao tử bóp, xay, giã, nghiền, rồi đẩy nó xuống tá tràng (duodenum, đoạn ruột non nối liền với bao tử), đã không có chuyện. Song nếu thức ăn từ bao tử lại dội, trào ngược lên thực quản, ta sẽ có những triệu chứng của bệnh dội ngược bao tử-thực quản.

Triệu chứng của bệnh rất đa dạng. Triệu chứng hay xảy ra nhất là nóng ngực (heartburn). Nóng ngực thường xảy ra sau khi ăn. Ta có cảm giác nóng ở vùng bụng trên hay vùng giữa ngực đằng sau xương ức. Cảm giác nóng có thể lan lên đến vùng cổ họng. Các triệu chứng điển hình khác của bệnh: ợ hơi, ợ chua hay ợ cả thức ăn lên miệng, khó nuốt thức ăn. Bệnh dội ngược bao tử-thực quản kinh niên cũng có thể cho những triệu chứng khác như khan tiếng (nhất là vào buổi sáng), đau hay khó chịu cổ họng kinh niên, ho, khò khè ban đêm.

Có khi, bệnh dội ngược bao tử-thực quản chỉ cho triệu chứng mơ hồ, gây đau, khó chịu vùng bụng trên.

Bệnh loét bao tử hoặc loét tá tràng

Bệnh loét tá tràng (duodenal ulcer) xảy ra nhiều hơn bệnh loét bao tử (gastric ulcer). Bị loét tá tràng, ta hay đau vùng bụng trên, ở giữa hoặc phía bên phải, khoảng giữa các bữa ăn khi bụng trống (empty stomach), và vào lúc sáng sớm. Loét bao tử hay gây đau sau khi ăn.

Các cơn đau do loét tá tràng hoặc loét bao tử nong nóng (burning pain) như có lửa đốt vùng bụng trên, hoặc căn cắn (gnawing pain) như có con gì trong bao tử nó gặm gặm. Đau kéo dài nhiều phút tới nhiều giờ. Bạn ăn vào, hoặc dùng những thuốc chống chất acid (antacids) như Maalox, Mylanta, …, đau thấy dịu đi.
Nhiều trường hợp bệnh loét bao tử hoặc loét tá tràng, triệu chứng không hề điển hình như đã tả trên.

Những năm gần đây, người ta nhận thấy trong bao tử của hầu hết những người bị loét tá tràng (hơn 95%), và của đa số (80%) những người bị loét bao tử, có sự hiện diện của một vi trùng hình xoắn có tên Helicobacter pylori (H. pylori). Rất nhiều trường hợp loét bao tử hoặc loét tá tràng, sau khi được chữa bằng trụ sinh để diệt con vi trùng này, bệnh khỏi hẳn, không còn tái phát.

Bệnh “không loét mà đau”

“Không loét mà đau” (nonulcer dyspepsia) là bệnh cho triệu chứng rất giống bệnh loét bao tử hoặc bệnh loét tá tràng, song lạ lắm, khi chụp phim hoặc soi đường tiêu hóa trên (gồm thực quản, bao tử và tá tràng), bác sĩ nào thấy có vết loét ở đâu. Tìm hiểu bằng nhiều cách, cũng không thấy có bệnh gì khác có thể giải thích cái đau của người bệnh.

So với bệnh loét bao tử và loét tá tràng (có vết loét nhìn thấy trong bao tử hoặc tá tràng đàng hoàng), “không loét mà đau” xảy ra nhiều gấp đôi, tính ra, làm khổ đến 20-30% người lớn chúng ta. Nó là một trong những nguyên nhân gây cái đau cơ năng (functional pain) vùng bụng trên. Nguyên nhân gây bệnh “không loét mà đau” người ta chưa rõ. Khác với các bệnh loét bao tử và loét tá tràng, rất chịu các thuốc bao tử (như Maalox, Mylanta, Tagamet, Zantac, Pepcid, Axid, Prilosec, Prevacid), khi dùng các thuốc này để chữa cho những người bị bệnh “không loét mà đau”, có người thì bớt, người khác lại không.

Ung thư bao tử

Càng có tuổi, chúng ta càng dễ bị ung thư bao tử.

Ung thư bao tử xảy ra nhiều nhất ở Columbia và Trung Quốc (China), nơi con vi trùng H. pylori làm bạn với hơn nửa dân số ngay từ thời họ còn thơ ấu. Hiển nhiên, nơi những người bị con H. pylori làm bạn kinh niên, hiểm nguy bị ung thư bao tử tăng cao. Tại Mỹ, từ thập niên 1930, ung thư bao tử đang giảm dần, do những người trẻ tại Mỹ ít bị H. pyloriđánh bạn hơn những nơi khác. Đời sống tại Mỹ vệ sinh hơn.

Ung thư bao tử cũng gây đau, hoặc chỉ mơ hồ khó chịu vùng bụng trên. Ung thư bao tử có thể khiến người bệnh xuống cân vì ăn không ngon, ói mửa hoài, khó nuốt, thiếu máu, ….

“Dyspepsia”, làm thế nào cho phải?

“Bác sĩ ơi,độ 2 tuần nay, tôi hay bị đau vùng bụng trên. Cứ 1-2 ngày lại đau. Thường thì sau khi ăn vài tiếng, tôi bị đau, và cơn đau kéo dài độ hơn nửa giờ, nhưng có lúc đau cả về đêm. Có khi nó không đau nhiều, chỉ hơi ngầm ngầm khó chịu. Tôi tưởng tôi đói, kiếm cái gì ăn vào, thì thấyđỡ đau hơn. Chắc bao tử tôi bịyếu? Vài tháng nay, tôi hay đau đi đau lại như vậy”.

Bao tử bạn không “yếu”, nhưng bạn bị “dyspepsia”, có thể do loét tá tràng. Song loét tá tràng, loét bao tử, bệnh dội ngược bao tử-thực quản, ung thư bao tử, rồi bệnh “không loét mà đau”, đều có thể cho triệu chứng giống nhau, ta nên làm thế nào bây giờ?

A, đầu tiên, xin hỏi bạn, mấy tuần nay, bạn có dùng thuốc Aspirine, hoặc các thuốc Advil, Motrin, Aleve, Naprosyn, … Không, tốt, nếu có, ta nên ngưng chúng đi thôi. Xin lỗi, năm nay bạn bao nhiêu tuổi, nếu đã 45 hay hơn, ta nên cảnh giác, nghĩ nhiều đến bệnh ung thư bao tử. Rồi, bạn có những triệu chứng báo động (“alarm symptoms”) sau không: ăn không ngon miệng, xuống cân, ói mửa, khó nuốt, chảy máu đường tiêu hóa, …, có bác sĩ nào nói bạn bị thiếu máu?
Theo lời khuyên của Hội chuyên khoa đường tiêu hóa Hoa-kỳ, nếu bạn mới bị đau, khó chịu bụng trên trong thời gian gần đây thôi, và thêm vào đó, có những triệu chứng báo động (ăn không ngon miệng, xuống cân, ói mửa, khó nuốt, …), ta chẳng nên chờ gì nữa, nhờ ngay bác sĩ chuyên khoa đường tiêu hóa soi thực quản, bao tử, và tá tràng cho bạn, xem có gì lạ. Nói dại, nhỡ bị ung thư bao tử, ta cần khám phá thực sớm.

Còn nếu bạn không có những triệu chứng báo động kể trên, chúng ta có thể thư thả, và, theo Hội chuyên khoa tiêu hóa Hoa-kỳ, có 4 cách để giải quyết vấn đề của bạn:

Cách thứ I:

Thử dùng thuốc khiến bao tử bớt tiết chất acid (antisecretory drugs) như các thuốc Tagamet, Zantac, Pepcid, Axid, Prilosec, …
Dùng những thuốc trên một thời gian, không có kết quả, ta sẽ chụp phim hoặc soi đường tiêu hóa trên sau (đường tiêu hóa trên, upper gastrointestinal tract, hay được gọi tắt UGI, gồm thực quản, bao tử, tá tràng).

Cách thứ II:

Chụp phim hoặc soi đường tiêu hóa trên ngay để tìm hiểu vấn đề, thay vì thử dùng thuốc trước một thời gian. Tìm thấy gì, ta sẽ tùy đó mà chữa.
So với chụp phim, phương pháp soi thực quản, bao tử, và tá tràng cho ta những kết quả chính xác hơn, nên với người đã 45 tuổi, Hội chuyên khoa tiêu hóa Hoa-kỳ khuyên ta nên soi thay vì chụp phim.

Cách thứ III:

Làm trắc nghiệm để tìm xem trong bao tử bạn có vi trùng H. pylori hay không. Nếu quả trong bao tử bạn có vi trùng H. pylori, bác sĩ cứ thử chữa bạn với các cách chữa để diệt con vi trùng này. Chữa trị như vậy, chứng đau, khó chịu bụng trên của bạn biến mất, quý hóa quá, ta không cần phải làm gì thêm. Nhưng nếu bạn vẫn tiếp tục bị đau, khó chịu vùng bụng trên như trước, chẳng thấy bớt tí nào ư, lúc đó ta chụp hoặc soi đường tiêu hóa trên vẫn chưa muộn.

Ngược lại, trắc nghiệm cho thấy bao tử bạn “sạch”, không có vi trùng H. pylori, nhất là bạn còn trẻ, không có triệu chứng báo động nào cả, ta có thể tạm yên tâm, và thử chữa với các thuốc như Tagamet, Zantac, Pepcid, Axid, Prilosec, Prevacid. Sau 8 tuần, bạn vẫn không thuyên giảm, rồi, đây là lúc ta nên soi đường tiêu hóa trên để có định bệnh rõ rệt, xem có cái gì nó làm bạn đau, hoặc thực ra, chỉ là bệnh “không loét mà đau” (nonlulcer dyspepsia), còn thực quản, bao tử, và tá tràng bạn vẫn tốt nguyên. Thêm vào đấy, nếu có chút nghi ngờ, không biết bạn có bị sạn túi mật, ung thư gan, hoặc ung thư tụy tạng, bác sĩ sẽ cho làm siêu âm, và có khi cả phim Cat scan nữa cho chắc ăn.

Trong 3 cách kể trên, tùy bạn thích cách nào, chúng ta sẽ giải quyết vấn đề. Cách thứ I, cứ thử dùng thuốc (nếu bạn vẫn khỏe, không có những triệu chứng báo động), không bớt tính sau, tương đối rẻ nhất. Cách thứ II, chụp phim hoặc soi ngay cho chắc ăn, khiến ta yên tâm, song đắt hơn cách I (soi thì chắc hơn, và cũng đắt hơn chụp). Cách thứ III, đi tìm vi trùng H. pylori trước, rồi chữa bằng các thuốc diệt con vi trùng này, cũng không phải rẻ.

Dyspepsia xảy ra rất nhiều, làm phiền lòng không ít người chúng ta. Đa số là do nguyên nhân tại bao tử, trong đó bệnh “không loét mà đau” xảy ra nhiều nhất, thỉnh thoảng cũng do những chuyện ngoài bao tử. Chữa và tìm hiểu, nếu không phải bệnh bao tử, chúng ta xoay tìm những nguyên nhân khác. Cũng may dyspepsia thường là do những nguyên nhân lành.