Home » Văn Hoá Khoa Hoc Xã Hội » Chế độ Cộng Sản Đông Đức cũng chỉ tồn tại được 40 năm

Chế độ Cộng Sản Đông Đức cũng chỉ tồn tại được 40 năm

Thư ngỏ của Ulrike Poppe,

Die Beauftragte des Landes Brandenburg zur Aufarbeitung

der Folgen der kommunistischen Diktatur (LAkD)

Kính thưa quý vị,

tôi xin chân thành cảm ơn quý vị đã có nhã ý mời tôi tới nói chuyện nhân dịp 40 năm miền Nam bị chiếm đóng. Đáng tiếc hiện nay tôi không ở trong nước nên chỉ có thể gửi đến quý vị thư ngỏ này.

40 năm – chế độ Cộng Sản Đông Đức cũng chỉ tồn tại được 40 năm . 40 năm dài người dân Đông Đức đã phải chịu đựng những kẻ tự xưng là „nhà cầm quyền“, những kẻ đã cướp đi của người dân quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí và tự do thông tin. Không được có Đảng đối lập. Mặc dù vậy trong những năm đó vẫn luôn có những người đứng lên chống lại chính quyền. Ý niệm về tự do quyết định, về một nền chính trị ổn định, nhân quyền phải được chính quyền và xã hội tôn trọng và bảo vệ… luôn được gìn giữ một cách sống động. Một số người đã phải trả giá rất cao cho lý tưởng này. Chúng tôi được biết là ở Việt Nam những người đấu tranh cho nhân quyền cũng bị bắt bớ và cầm tù. Tuy nhiên những tiếng nói đòi tự do dân chủ ở Việt Nam cũng không hề câm nín. Thật là một điều tốt đẹp khi mà quý vị ở hải ngoại tiếp tay với đồng hương ở trong nước đòi hỏi những quyền tự do căn bản.

Trước mùa Thu năm 1989 không có nhiều người ở Đông Đức đứng lên chống lại chính quyền; song những người này đã không ngừng hy vọng vào một tiến trình dân chủ hóa, bởi vì họ luôn nhận được những dấu hiệu hỗ trợ từ bên ngoài. 40 năm là một thời gian dài; và chúng tôi đã cần rất nhiều kiên nhẫn cho đến khi những điều kiện đưa đến thay đổi chính quyền được chín mùi. Cái may mắn của chúng tôi là đã đạt được điều này trong bất bạo động. Ở nhiều nơi trên thế giới hiện vẫn có những tranh chấp bằng bạo lực với biết bao khổ đau. Cuộc cách mạng ở Trung Đông Âu là ví dụ điển hình cho ta thấy: một sự thay đổi chính quyền bằng phương thức bất bạo động cho dù trong những thể chế độc tài với những vũ khí tối tân vẫn có thể thành tựu. Ở một vài nước này đại diện của chế độ cũ và chế độ dân chủ mới đã ngồi lại với nhau , được gọi là „Hội Nghị Bàn Tròn“, để cùng nhau bàn về hướng đi kế tiếp cho đất nước. Phe đối lập và các thành viên của họ nên được mang vào cách làm việc dân chủ. Điều đó nói lên tính đặc biệt của „dân chủ“; có nghĩa là mọi nhóm khác nhau, ngay cả các thành phần đối lập đều có chỗ đứng, nếu như họ sẵn sàng tôn trọng nhau. Đối với người Đức chúng tôi thì tiến trình dân chủ hóa ở Đông Đức đã đưa đến sự thống nhất nước Đức, mà năm nay chúng tôi ăn mừng 25 năm. Sự kiện chấm dứt tình trạng đất nước bị chia đôi đối với đa số người Đức là những giây phút hạnh phúc lịch sử. Mặt khác, không phải tất cả những mong đợi về một chính phủ dân chủ và công bằng xã hội đều được đáp ứng. Trong tiến trình thay đổi này cũng có những thất vọng và những người thua cuộc. Nhưng niềm hy vọng là trong một thể chế dân chủ thì người dân được phép phê bình và „sửa lưng“ chính phủ, và người ta luôn tìm kiếm những cách giải quyết để đưa đến một sự quân bình về quyền lợi.

Tôi xin kính chúc toàn thể quý vị luôn giữ được lòng can đảm, để cùng với tất cả các lực lượng yêu chuộng tự do trong nước tranh đấu cho một tiến trình thay đổi dân chủ bất bạo động tại Việt Nam.

Ngọc-Hòa chuyển ngữ