Home » Tham Vấn » Các tổ chức nhân quyền kêu gọi trả tự do cho các nhà văn và bloggers bị bắt giữ

Các tổ chức nhân quyền kêu gọi trả tự do cho các nhà văn và bloggers bị bắt giữ

Các tổ chức nhân quyền kêu gọi trả tự do cho các nhà văn và bloggers bị bắt giữ

 

Hoàng Tứ Duy|

11 tháng 6, 2020

Kính gửi:

— Elisabeth Tichy-Fisslberger, chủ tịch Hội Đồng Nhân Quyền LHQ
— David Sassoli, chủ tịch Quốc Hội Âu Châu
Đồng kính gửi:
— Mary Lawlor, David Kaye, Báo Cáo Viên Đặc Biệt LHQ về Những Người Bảo Vệ Nhân Quyền
— David Kaye, Báo Cáo Viên Đặc Biệt LHQ về Tự Do Ngôn Luận
— Maria Aréna, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Hội Âu Châu

Trong mấy tuần qua, lợi dụng trong lúc cả thế giới đang bận rộn tập trung giải quyết nạn đại dịch COVID-19, nhà nước Cộng Sản Việt Nam gia tăng đàn áp quyền tự do thông tin và ngôn luận bằng cách liên tiếp bắt giam những ký giả độc lập và các nhà tranh đấu cho nhân quyền. Sau khi bắt nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng vào tháng 11/2019, họ đã bắt thêm 3 bloggers nổi tiếng khác trong vòng vài ngày. Đó là các ông Trần Đức Thạch (23/04/2020), Phạm Thành (21/05/2020) và Nguyễn Tường Thụy (23/05/2020).

Phạm Chí Dũng là chủ tịch và sáng lập viên Hội Nhà Báo Độc Lập. Ông Dũng bị truy tố vi phạm điều 117 (Làm, tàng trữ các tài liệu, tuyên truyền chống phá nhà nước). Đây là một điều luật rất thường xuyên được dùng để bóp nghẹt những tiếng nói đối lập. Ông Dũng bị bắt vài ngày sau khi gửi thư đến Quốc Hội Âu Châu yêu cầu không thông qua Hiệp Định Tự Do Thương Mại EVFTA vì Việt Nam vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng. Sau 6 tháng bị giam giữ, ông Dũng vẫn chưa được đem ra xét xử.

Nguyễn Tường Thụy là quyền chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập sau khi ông Phạm Chí Dũng bị bắt. Năm 2014, ông Nguyễn Tường Thụy đã phát biểu trước Quốc Hội Hoa Kỳ để chia sẻ về những sự đàn áp tự do ngôn luận tại Việt Nam.

Trần Đức Thạch là một nhà văn đã từng ngồi tù 3 năm, từ 2008 đến 2011. Ông là thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức bị nhà nước Việt Nam đàn áp khốc liệt từ nhiều năm qua.

Phạm Chí Thành là một blogger nổi tiếng qua trang blog Bà Đầm Xòe. Năm 2019, ông Phạm Chí Thành đã xuất bản cuốn sách chỉ trích tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và nhà nước Việt Nam. Đặc biệt, Phạm Chí Thành chỉ trích những nhượng bộ của CSVN đối với Trung Quốc và mang ra ánh sáng những mâu thuẫn trong nội bộ Đảng CSVN. – Tiểu sử 4 người được kèm trong phần phụ lục.

Trong dịp UPR đầu năm 2019, đại diện nhà nước Việt Nam đã tuyên bố trước LHQ là Việt Nam không có tù nhân lương tâm và các quyền tự do con người đều được tôn trọng và phát huy. Đã đến lúc Hội Đồng Nhân Quyền LHQ yêu cầu Việt Nam phải hành động đúng theo những lời tuyên bố đó bằng cách trả tự do cho các người vừa bị bắt và các tù nhân lương tâm khác.

Vào đầu năm nay, một lần nữa nhà nước Việt Nam đã hứa hẹn nhiều với Liên Minh Âu Châu để được Quốc Hội Âu Châu thông qua Hiệp Định Tự Do Thương Mại EVFTA. Nhưng ngày nay, bộ mặt giả dối của họ đã được hiện rõ.

Chỉ vài tháng sau, trong lúc đại dịch vẫn đang hoành hành thì nhà nước Việt Nam đã vội vã trở tay đàn áp những người blogger ôn hòa, thay vì thực thi những điều họ đã cam kết, như thông qua các công ước 87 (tự do thành lập công đoàn) và thành lập các nhóm quan sát hiệp định EVFTA.

Trước thềm hội nghị 13 của Đảng CSVN vào tháng 1, năm 2021, nhà nước Việt Nam muốn bịt miệng các tiếng nói chỉ trích. Đây là một hành động đã thường được nhìn thấy từ nhiều thập niên qua. Nhà nước Việt Nam cần phải thay đổi “truyền thống” này và mở một giai đoạn mới bằng cách trả tự do cho các tù nhân lương tâm, các ký giả độc lập và hủy bỏ các đạo luật mơ hồ như điều 109 (hoạt động nhằm lật đổ nhà nước) và 117 (tuyên truyền chống nhà nước).

Chúng tôi, những tổ chức xã hội dân sự ký tên dưới đây kêu gọi:

– Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc yêu cầu Việt Nam tạo điều kiện cho Người Báo Cáo Viên Đặc Biệt LHQ về Tự Do Ngôn Luận và Báo Cáo Viên Đặc Biệt LHQ về Những Người Bảo Vệ Nhân Quyền đến Việt Nam để gặp tận mặt các bloggers và nhà hoạt động

– Quốc Hội Âu Châu tổ chức một cuộc điều trần công cộng về tình hình nhân quyền tại Việt Nam với sự tham dự của những nhân chứng đến từ Việt Nam một khi các giới hạn di chuyển liên quan đến dịch Covid-19 chấm dứt

– Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và Quốc Hội Âu Châu phải yêu cầu nhà nước CSVN tuân thủ những cam kết mà họ đã hứa hẹn và trả tự do ngay lập tức cho bốn nhà báo độc lập nói trên, cũng như tất cả tù nhân lương tâm khác hiện đang bị giam giữ như Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Đình Lượng, Nguyễn Trung Tôn, Châu Văn Khảm, Trương Duy Nhất, Nguyễn Năng Tỉnh, Nguyễn Văn Oai, Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức. Là một thành viên không thường trực của Hội Đồng An Ninh Liên Hiệp Quốc, hơn ai hết, Việt Nam cần phải làm gương và hành xử đúng với tư cách và chuẩn mực của quốc tế.

ACAT Pháp
ACAT Đức
ARTICLE 19
Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do
Destination Justice
English PEN
Hội Anh Em Dân Chủ
Hội Bầu Bí Tương Thân
Hội Nhà Báo Độc Lập (IJAVN)
PEN America
PEN International
Phóng Viên Không Biên Giới (RSF)
Safeguard Defenders
Uỷ Ban Thuỵ Sĩ-Việt Nam (COSUNAM)
Việt Tân