Home » Tin Tức » Cộng Đồng Đức » 25 năm thống nhất Đức Quốc

25 năm thống nhất Đức Quốc

„Đó là dịp để hãnh diện“

Báo „Neue Bildpost“, nhân dịp nước Đức mừng kỷ niệm 25 năm thống nhất, trong số đặc biệt Nr. 40, phát hành vào ngày 3./4. tháng 10 năm 2015, đã đăng bài phỏng vấn cựu tổng thống quốc hội Đức, ông Wolfgang Thierse.

Berlin – Theo Wolfgang Thierse, cựu tổng thống quốc hội, sau 25 năm thống nhất nước Đức tiến trình kết hợp Đông và Tây vẫn chưa chấm dứt. Sự khác biệt giữa 2 miền vẫn còn khá rõ rệt.

1) Thưa ông Thierse, vào ngày 03.10.2015 nước Đức mừng 25 năm thống nhất. Theo ông thì chúng ta ăn mừng điều nào: Thống nhất như là „món quà lịch sử“ hay là „thành quả lịch sử“ của người dân Đức?

Để hiểu đúng về „thống nhất“ thì điều quan trọng là nên nhớ lại những biến cố đã xảy ra, đặc biệt là cuộc cách mạng bất bạo động: về những buổi biểu tình và sự kiện người dân Đông Đức đã tìm được cho mình ngôn ngữ và lòng dũng cảm; qua đó bức tường Bá Linh đã bị kéo sập. Mùa Thu 1989 được coi như là giai đoạn „tự giải thoát mình“; nó dọn đường cho tiến trình thống nhất nước Đức 10 tháng sau đó: bầu cử quốc hội tự do, những thương lượng giữa Đông và Tây Đức để rồi đưa đến thống nhất đất nước vào ngày 03.10.1990.

Do đó „thống nhất“ mang cả hai ý nghĩa: đó là thành tích lịch sử, song cũng „phép lạ“ lịch sử, một món quà mà người dân Đông Đức được nhận lãnh qua cuộc cách mạng bất bạo động để đòi tự do. Ngày kỷ niệm là dịp để chúng ta vui mừng và có lẽ nên có chút hãnh diện.

2) Hồi tưởng lại năm 1990: Sự hớn hở vui mừng vì bức tường Bá Linh sụp đổ là bao

nhiêu và bao nhiêu là sự sợ hãi cũng như lo lắng cho một tương lai mới ?

Trong thực tế hầu như mọi người dân Đông Đức lúc đó mang 2 tâm trạng: khi niềm vui từ từ lắng xuống, thì sau đó là những căng thẳng trong những buổi thương lượng, căng thẳng vì nền kinh tế Đông Đức bị phá sản, căng thẳng khi chuyển qua thị trường kinh tế tự do và theo đó là những hoài nghi và sợ hãi về một tương lai bấp bênh cho những người dân phía Đông Đức.

Mặc dù vậy, niềm vui về sự thống nhất đất nước vẫn nặng ký hơn và cái cảm giác là mình đã chiến thắng cường quốc Liên Sô. Hầu hết những người Đông Đức muốn được „đứng dưới mái nhà cứu nguy Tây Đức“. Họ chỉ có một hy vọng lớn là: „Bây giờ mọi sự sẽ tốt đẹp hơn trước“.

3) Kết quả của „thống nhất“ ra sao ?

Về mặt chính trị thì rất thành công. Đông Đức hiện thuộc về một quốc gia lập hiến, mặc dù còn nhiều xung khắc nhưng có một nền dân chủ vững chắc và nền kinh tế tương đối tốt. Tuy nhiên những khác biệt về kinh tế giữa Đông và Tây Đức vẫn còn khá rõ rệt.

Vấn đề lớn nhất là sự truyền đạt văn hóa – cái mà người ta gọi là mặt chủ quan của „sự thống nhất nước Đức“. Một phần không nhỏ người Đông Đức mang cảm giác mình không phải là kẻ chiến thắng của lịch sử. Cho dù khách quan mà nói: Người dân Đông Đức có cuộc sống thoải mái hơn trước khi thống nhất, nhưng cảm giác chủ quan vẫn là: „Những người khác chứ không phải chúng tôi là kẻ chiến thắng của lịch sử.“

4) Sau 25 năm, theo ông những gì Đông Đức đã đạt được và những gì còn phải cải thiện ?

Về phía „có“ thì phía Đông đạt được những kết quả giáo dục tốt, những người thợ tốt nghiệp có bằng cấp tốt và có chỗ đứng trung bình trong thị trường khối Âu Châu. Đông Đức đã trở nên một khu kỹ nghệ vững chắc. Đông Đức không mắc nợ nhiều và có một hạ tầng cơ sở hiện đại, mà trong thời kỳ Đông Đức cũ (DDR) chưa hề có. Sự kiện này chúng ta không nên làm lơ hoặc cho rằng đó là điều không đáng kể.

Những điều còn phải cải thiện là: mức thu nhập kinh tế bên Đông Đức thấp hơn phía Tây, bảo đảm về công ăn việc làm ít hơn, tiền lương thấp hơn và còn nhiều vấn đề liên quan đến hưu trí. Tôi không nói ra đây để quy trách ai, song chỉ muốn mô tả trung thực những gì chúng ta cần phải khắc phục. Theo cái nhìn của tôi, thì chúng ta không có gì để than trách cả, nhưng cũng không thể nói rằng: „tất cả đã hoàn tất tốt đẹp“.

5) Cho tới giờ „những gì thuộc về nhau thì đã kết hợp lại với nhau“?

Chúng ta đã đạt được rất nhiều và tôi không muốn lập lại câu sáo ngữ như: „Bức tường Bá Linh đã sụp nhưng bức tường trong đầu thì vẫn còn tồn tại“. Những khác biệt về kinh tế và xã hội giữa 2 miền Đông và Tây Đức chúng ta không thể làm như không thấy. Mặc dù vậy, cho tới giờ sự chung sống đã trở thành điều bình thường và từ đó, đưa đến một sự pha trộn Đức quốc mới, mà tôi đặt rất nhiều hy vọng vào đó.

Trong vòng 25 năm qua có khoảng 4 triệu người Đông Đức di cư qua Tây Đức. Đó là sự việc đáng buồn và đau lòng cho những người „ở lại“. Nhưng trong khoảng thời gian này có 2,5 triệu người từ Tây dọn qua Đông Đức ở. Tôi tiên đoán rằng, những khác biệt giữa Đông và Tây dần dần sẽ phai mờ.

6) Khi nào thì sự thống nhất mới hoàn tất, thưa ông ? Hay người ta phải chấp nhận hố sâu khác biệt giữa hai miền Đông Tây mãi mãi ?

Theo tôi 2 tiêu chuẩn sau đây là yếu tố quyết định:

Một là sự thống nhất phải bắt đầu ở trong đầu, hay nói cách khác sự đồng đều về đời sống vật chất sẽ đạt được, khi mà sự khác biệt giữa các tiểu bang Đông và Tây giống như sự khác biệt giữa tiểu bang Baden-Württemberg và tiểu bang Schlewig-Holstein.

Hai là sự thống nhất sẽ đạt được, khi tiểu sử của một người Đông Đức có giá trị hơn là lý lịch của họ trong thời gian họ sống dưới chế độ Đông Đức cũ, và khi họ không còn bị hỏi hoài về cái quá khứ Đông Đức đó.

7) Chế độ DDR đã chấm dứt từ ngày 03.10.1990. Sự kiện này đã dọn đường cho một Âu Châu gắn bó mật thiết với nhau. Nước Đức và Âu Châu sẽ ra sao trong 25 năm tới ?

Nếu Âu Châu không cùng nhau giải quyết những bài toán như hiện nay là vấn đề tỵ nạn thì trong 25 năm tới sẽ không còn là một khối Âu Châu nữa. Mối nguy hiểm của sự „sống lại“ một chủ nghĩa quốc gia và sự ích kỷ trong kinh tế sẽ rất lớn. Do đó, sau 25 năm thống nhất nước Đức và thống nhất Âu Châu, điều quan trọng là gìn giữ được tinh thần „thống nhất“. Âu Châu chỉ có thể là một Âu Châu đoàn kết – hay sẽ không còn một Cộng Đồng Âu Châu nữa.

Người phỏng vấn: Christian Soyke

Ngọc Hòa chuyển ngữ