Home » Thông Báo » Phỏng vấn Ông Markus Löning, giới chức đặc trách nhân quyền của chính phủ Đức về chuyến công du Việt Nam vừa qua.

Phỏng vấn Ông Markus Löning, giới chức đặc trách nhân quyền của chính phủ Đức về chuyến công du Việt Nam vừa qua.

Trịnh Đỗ Tôn Vinh thực hiện Sat, 12/29/2012 – 01:43

TDTV: Kính chào ông Löning.

Trước nhất chúng tôi xin cảm ơn ông đã dành thời giờ quý báu của ông cho chúng tôi có buổi phỏng vần này. Thưa ông. Cách đây một tuần ông đã có mặt tại Việt Nam để tìm hiểu thêm về tình hình nhân quyền tại chỗ. Xin ông cho biết cuộc đối thoại giữa ông và các đại diện của chính phủ Việt Nam đã diễn ra như thế nào?

– M. Löning: Xin chào quí vị,

Trước nhất tôi phải nói rằng, tôi rất xúc động. Đây là lần thứ ba tôi đến Việt Nam trong vòng mười năm qua. Tôi rất cảm kích trước những tiến bộ và phát triển thấy được và không thể phủ nhận trong lãnh vực kinh tế. Người ta cũng thấy Việt Nam đã trở thành một quốc gia khác trong vòng mười năm qua.

Dầu vậy, tôi phải nhận định rằng tình hình nhân quyền trong lãnh vực tự do chính trị đã làm tôi rất lo âu. Và tôi rất đau lòng khi thấy những người nỗ lực cho dân chủ và đa nguyên hay là những người đặt vần đề về thực trạng độc quyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam bị truy nã nặng nề. Tôi đã bàn thảo với những vị đại diện chính phủ về đề tài này. Tôi cũng nói, chúng tôi thấy những tiến bộ của Việt Nam trong lãnh vực kinh tế và xã hội. Những nỗ lực chống nghèo đói đương nhiên đối với rất nhiều người Việt Nam là cốt yếu, cần phải tiếp tục và thành công. Nhưng chúng tôi cũng thấy rằng, nếu Việt Nam trong những năm tới muốn có được một vai trò quan trọng trong lãnh vực chính trị, muốn được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền trong năm tới thì cần phải có một số tiến bộ trong lãnh vực tự do chính trị. Những phản ứng của các vị đại diện chính phủ tuy là niềm nở nhưng họ không xác định. Họ ghi nhận những điều tôi trình bầy nhưng họ lấy làm không vui.

– TDTV: Những mong đợi nào của ông trong chuyến công du này được đáp ứng, những điều nào không được đáp ứng ?

– M. Löning: Điều được đáp ứng là chuyến viếng thăm tại chỗ này không thể thay thế bằng cách đọc các hồ sơ hoặc tài liệu, song là trực tiếp nhìn thấy đất nước, nhìn thấy những người trẻ sống như thế nào, nhìn thấy năng lực và sức sống của nước Việt Nam. Điều này không thể cảm nghiệm được khi đọc các tài liệu. Vì thế, điều tôi mong đợi đã được thỏa mãn là mắt thấy tai nghe những gì diễn ra tại Việt Nam.

Tôi trở lại Đức, phải thú thật, với phần nào thất vọng khi thấy chính quyền cư xử nặng nề đối với ai dùng quyền tự do phát biểu quan điểm trong một số lãnh vực. Sự kiện này đối với tôi là một thất vọng khá lớn. Có người nói với tôi, tại Việt Nam có khoảng 700 ấn phẩm báo chí nhưng chỉ có một Chủ nhiệm Ban biên tập. Đây là điều mà tôi không thể nào chấp nhận được cho một quốc gia hiện đại đang vươn lên.

– TDTV: Những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền nào đã bị ngăn cản không được đến gặp gỡ ông?

– M. Löning: Chắc hẳn quí vị thông cảm cho tôi không thể nêu tên trong khuôn khổ này được. Nhưng một số người mà tôi muốn gặp đã gọi điện thoại và gửi email cho chúng tôi biết: “Công an chìm đã đến “thăm” tôi và tỏ cho tôi biết, không nên đến buổi gặp gỡ. Vì thế, tôi rất tiếc phải từ chối“.

Tuy nhiên, tôi cũng gặp được một nhà dân chủ. Ông ta đã có gan làm việc này. Ông nói, “Ngày hôm qua công an có đến tôi, nhưng sáng nay khi không có công an đứng trước cửa nhà, tôi đã đi đến đây”. Hy vọng sự kiện này sẽ không mang hậu quả đến cho ông ta.

Chúng tôi cũng có một bữa ăn trong dinh thự của nữ đại sứ với những cựu tù nhân chính trị và thân nhân của họ. Trước dinh thự công an đứng trực và quan sát ai ra vào. Sự kiện này đã mang đến cho tôi một tâm tư trĩu nặng.

– TDTV: Thưa ông Löning. Trong chuyến công du này điều gì đặc biệt đã làm ông rung cảm và để lại ấn tượng nơi ông?

– M. Löning:Tôi muốn đề cập hai điểm sau đây:

Thứ nhất là lòng can đảm của những người nỗ lực cho tự do, cho đối thoại chính trị trong tinh thần cởi mở, cho đa đảng, cho một nền dân chủ thực sự. Lòng can đảm cùng với những người khác tiếp tục đi tới dầu bị đàn áp. Lòng can đảm này tôi rất khâm phục và đáng nhận được tất cả sự trợ giúp của chúng tôi từ bên ngoài.

Điểm thứ hai tôi muốn nói đến là những người trẻ mà tôi đã gặp. Người ta cảm nhận được họ đương nhiên muốn một Việt Nam khác ; họ nhìn về tương lai Việt Nam khác với thế hệ cha mẹ của họ đã làm. Họ có một viễn ảnh hoàn toàn khác về đất nước của họ. Đương nhiên một chế độ, một quốc gia tân thời như Việt Nam không thể tự tách mình ra khỏi thế giới còn lại. Người dân biết những gì xẩy ra tại các nước khác. Nhiều người trẻ đã ra nước ngoài và trở về. Tôi nghĩ rằng từ sự kiện này sẽ phát sinh ra một chương trình nghị sự cho một thay đổi, cho một Việt Nam mới. Vì thế tôi kỳ vọng rất nhiều nơi những người trẻ.

– TDTV: Thưa ông, sau cùng thông điệp nào ông muốn gửi đến những người trẻ Việt Nam hôm nay ?

– M. Löning:

Việt Nam là một quốc gia thật xuất sắc, với nền lịch sử cổ tuyệt vời, với những nhân vật xuất chúng, với một tiềm năng to lớn. Việt Nam là một đối tác rất quan trọng với Đức quốc. Chúng tôi vừa thỏa thuận một hiệp ước hữu nghị chiến lược. Chúng tôi có những mối tương giao chặt chẽ qua những liên hệ gia đình giữa Đức và Việt Nam.

Chúng tôi sẽ quan sát rất kỹ Việt Nam tiến triển như thế nào. Chúng tôi sẽ yểm trợ mọi thay đổi theo khuynh hướng dân chủ và nhân quyền hơn. Chúng tôi sẽ hết lòng yểm trợ vì đó là điều chúng tôi cầu chúc cho Việt Nam là họ sẽ noi gương nước láng giềng Miến Điện cởi mở, trả tự do cho những tù nhân chính trị, chấm dứt chính sách kiểm duyệt truyền thông báo chí, cho bầu cử tự do.

Chúng tôi muốn Việt Nam trở thành một quốc gia dân chủ, pháp trị và cởi mở. Tôi nghĩ rằng điều này khả thi với những nỗ lực phù hợp từ bên trong và từ bên ngoài.

– TDTV: Xin cám ơn ông Löning đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn hôm nay và xin chúc ông cùng gia đình một mùa Giáng Sinh đầy hồng ân Thiên chúa và một năm mới an lành.

http://www.radiochantroimoi.com/spip.php?article11234

http://www.thongtinducquoc.de/node/229