Home » Văn Hoá Khoa Hoc Xã Hội » Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ với Văn Hoá Nhân Bản

Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ với Văn Hoá Nhân Bản

Tôi được anh chị em trong Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ mời làm cố vấn văn hoá ngay từ lúc mới thành lập, bên cạnh hai vị cố vấn nữa là nhạc sĩ Anh Bằng và nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Hai vị sau là hai nhạc sĩ nổi tiếng, riêng Lê Văn Khoa còn kiêm thêm tài nhiếp ảnh thuộc hạng sư tổ. Tôi vui lòng nhận lấy vai trò vì tôi là nhà giáo nặng với triết lý giáo dục Nhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng của Việt Nam Cộng Hoà. Và quan trọng hơn nữa là tôi biết rõ những người sáng lập Câu Lạc Bộ này: Trần Việt Hải và Cao Minh Hưng. Họ là những người trẻ (trẻ hơn tôi), mang căn cước quốc gia tỵ nạn cộng sản, có tinh thần nhân bản, tự do, không chấp nhận chế độ độc tài toàn trị chà đạp phẩm giá con người. Họ rất nhiệt tình với nghệ thuật, có lòng yêu thương quê hương dân tộc. Họ có cùng lý tưởng, cùng con đường phụng sự văn hoá nhân bản, dân tộc với tôi. Tôi vui lòng nhận lời làm cố vấn vì  Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ chủ trương nền văn chương nghệ thuật tựa trên cơ sở văn hoá nhân bản.

 

Nhưng văn hoá là gì? Nhân bản là gì? Thế nào là cơ sở văn hoá nhân bản?

 

Văn hoá thường có hai nghĩa: một nghĩa hẹp và một nghĩa rộng rãi, phổ quát. Khi ta nói một người nào đó kém văn hoá, hay một hành động nào đó thiếu văn hoá thì ta dùng chữ văn hoá với nghĩa hẹp là không trí thức, là không văn minh, không lịch sự. Nhưng từ ngữ văn hoá dùng trong bài này có ý nghĩa rộng rãi hơn. Ở đây văn hoá chỉ tất cả mọi sinh hoạt của con người do học hỏi, hấp thụ được trong xã hội mà có ( tức là phần nurture). Những hoạt động của con người do bẩm sinh, do bản năng không thuộc về văn hoá mà thuộc về tự nhiên (phần nature). Hành động khóc la, quơ lấy đồ vật đưa vào miệng khi đói là một hành động bản năng, thuộc về tự nhiên, không cần phải học hỏi gì cả, hành động đó không thuộc văn hoá. Nhưng khi đứa trẻ ngồi vào bàn ăn, xử dụng chén đũa để bới cơm và gắp đồ ăn, hay dùng dao nĩa để cắt thịt trong bữa ăn thì những hành động đó là những hành động đã được học hỏi, hấp thụ trong xã hội, hành động đó thuộc lãnh vực văn hoá. Đứa trẻ sơ sinh phát ra những tiếng o e, tiếng cười, tiếng khóc, đó là hành động bản năng, chưa phải là văn hoá, nhưng khi đứa trẻ biết nói ba, má, bà, học được từ người lớn thì đã bắt đầu có văn hoá (và ngôn ngữ là đặc thù của một nền văn hoá). Thành ra tất cả những sinh hoạt có học hỏi của con người, từ cách ăn mặc, lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán, cách đối xử, hành động cử chỉ, tư tưởng, tổ chức gia đình, hôn nhân, sinh đẻ nuôi dưỡng con cái, phân công xã hội, nghề nghiệp, kinh tế, chính trị, tôn giáo tín ngưỡng, nghệ thuật, đều là sinh hoạt văn hoá. Hiểu theo nghĩa này, tất cả mọi xã hội, mọi dân tộc đều có nền văn hoá của mình. Thí dụ như văn hoá Chàm, văn hoá Khmer, văn hoá Việt, văn hoá Nhật, văn hoá Esquimo, v v. . . Ngoài ra một nền văn hoá có thể bao gồm nhiều dân tộc, nhiều quốc gia trong đó như khi người ta đề cập đến Văn hoá Á Châu, văn hoá Tây Phương, văn hoá Á Đông, văn hoá Hồi giáo, v v . . .

 

Nhân bản là gì? Nhân là người, bản là gốc. Nhân bản là lấy con người làm gốc, làm căn bản. Nhân bản là một triết lý nhân sinh chú trọng vào cuộc sống của con người ngay trong cõi đời này mà thôi (chớ không nhắm vào cuộc đời sau khi chết rồi đi đầu thai, hay lên thiên đàng hay xuống địa ngục gì cả). Triết lý nhân bản quan niệm con người có phẩm cách, có giá trị của con người, cao hơn các loài vật khác. “Nhân linh ư vạn vật”, con người linh thiêng hơn các giống vật khác, đó là lời nói của cổ nhân. Triết lý nhân bản cũng quan niệm tương tự. Dưới cái nhìn khoa học, con người vừa là thú vật, vừa là thiên thần. Con người vừa có những bản năng tự nhiên gần với thú vật (mà các nhà đạo đức luân lý cho là những thú tính) với những đòi hỏi, những nhu cầu thấp kém, có thể có những hành động thô bạo, nhưng con người còn có những kiến thức, những ý thức đạo đức, những tư tưởng hướng thượng, những hành động cao đẹp, có thể kềm chế những bản năng tự nhiên, những thú tính của mình, và đó là phần thiên thần. Chính phần thiên thần của con người đã nâng cao giá trị của con người. Với phẩm cách, với giá trị đó, con người phải được kính nể, tôn trọng, phải có quyền làm người, có quyền sinh sống hạnh phúc. Trong quan niệm này con người là cứu cánh chớ không phải là phương tiện. Tất cả những chế độ chính trị, tôn giáo, xã hội, phủ nhận giá trị đặc biệt của con người, coi thường phẩm giá của con người, xem con người như con vật, như nô lệ hay tôi tớ, áp bức, kiềm kẹp, đối xử tàn bạo với con người, hay dùng con người như một phương tiện để phục vụ hay phụng sự cho đảng, cho vua chúa, hay một mục tiêu nào khác,  . . . đều trái với tinh thần nhân bản.

 

Văn hoá nhân bản là nền văn hoá có tinh thần nhân bản, tôn trọng phẩm giá của con người, tôn trọng sự tự do và quyền làm người. Đó là nền văn hoá phụng sự cho con người, và nâng cao giá trị của con người. Đó là văn hoá tựa trên con tim và khối óc của con người, tựa trên sự quân bình giữa lý trí và tình cảm, không để cho tình cảm buông lung lấn áp, nhưng cũng không để lý trí khô khan ngự trị. Thông cảm, chia sẻ, thương yêu, giúp đỡ nhau nhưng cũng phải biết nhận ra những đúng sai, xấu tốt, đạo đức hay vô luân để hướng thượng và tiến bộ. Văn hoá nhân bản do đó khác với văn hoá cộng sản. Cộng sản quan niệm con người như con vật, xoá bỏ tình cảm, chú trọng vật chất, xem con người như một phương tiện phục vụ cho Đảng, cho Nhà Nước Cộng Sản mà thôi. Trong chế độ toàn trị của cộng sản, con người không có tự do, phẩm giá và quyền làm người bị tước đoạt, chỉ còn là công cụ đấu tranh giai cấp, xử dụng bạo lực, sẵn sàng đấu tố, áp bức, hành hạ hay giết hại người khác. Trong đó tình người không còn nữa.

 

Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ qui tụ các nghệ sĩ của các ngành quan trọng quen thuộc: Thi Văn, Âm Nhạc, Hội Hoạ (kể cả Nhiếp Ảnh, Điêu Khắc). Họ sinh hoạt chung với nhau, trong tinh thần giúp đỡ nhau, trong tình thân mật, yêu thương nhau, như anh em trong một đại gia đình, với đúng nghĩa của chữ Tình Nghệ Sĩ. Hãy nghe bài ca “Tình Nghệ Sĩ Hành Khúc” của họ, do Cao Minh Hưng và Anh Bằng sáng tác, với những lời ca đầy ý nghĩa cao đẹp: “Tình Nghệ Sĩ từ bốn phương trời, Về nơi đây cùng hát vang lời… Ca lên, ta vui bên nhau nối vòng tay ấp ủ tình người, Bàn Tay văn hoá ta viết nên tình ca quê hương. Ca lên ta tay trong tay ngước nhìn lên bước theo lời nguyền. Dựng xây văn hoá cho nước Nam tự do nhân quyền.” Đây là một nỗ lực phụng sự cho nghệ thuật, phụng sự cho chân thiện mỹ, cho quê hương, đất nước, cho đồng loại, và cho dân tộc Việt Nam. Người nghệ sĩ không đóng vai chính trị gia. Họ không làm chính trị khi sáng tác nghệ thuật. Nhưng họ là người Việt Nam, có tinh thần nhân bản, dân tộc, họ mang căn cước của người Việt quốc gia, không cộng sản, nên ít nhiều trong tác phẩm của họ không thể không ít nhiều thể hiện ý thức văn hoá tự do, nhân bản của người Việt quốc gia không cộng sản. Trong văn hoá tự do, nhân bản, nghệ thuật phải có tự do và phải tựa trên căn bản “nghệ thuật vị nghệ thuật” hơn là dùng nghệ thuật phục vụ cho chính trị, hay đảng phái. Lẽ dĩ nhiên là không có sinh hoạt nào của con người mà không ít nhiều liên hệ tới việc phục vụ cho con người. Nhưng ở địa hạt nghệ thuật thì nghệ thuật phải vị nghệ thuật trước nhất, rồi việc phục vụ cho nhân sinh cũng đương nhiên sẽ tới.  Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ tựa trên cơ sở văn hoá nhân bản là vậy.

 

 

Nguyễn Thanh Liêm

Cựu Thứ Trưởng Bộ Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên Việt Nam Cộng Hoà
Chủ Tịch Lê Văn Duyệt Foundation
Cố Vấn Văn Hoá Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ